ÔNG TỪ LÀNG TÔI

ÔNG TỪ LÀNG TÔI

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Tôi sinh ra đã thấy ông từ chắp táp làm công quả thủ nhang ở đình làng. Hình ảnh ông trong suy nghĩ của dân làng Tân An chúng tôi cũng thân quen như cây đa, bến nước, con đò... đến nỗi lũ trẻ làng tôi chẳng cả biết đến tên thật của ông mà vẫn luôn gọi ông với cái tên trìu mến là "ông từ". Phiêu bạt mưu sinh bao nhiêu năm xa quê, bên cạnh nỗi nhớ gia đình, mái trường tuổi học trò, nơi chôn nhau cắt rốn, hình ảnh ông từ làng tôi là một trong những hoài niệm đẹp mà tôi vẫn luôn mang theo trong dòng ký ức.

Bố tôi kể rằng: ông từ trước đây nguyên là ông giáo gõ đầu trẻ làng Tân An. Thế hệ bố mẹ tôi đều là học trò của ông từ. Mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ khi đất nước sống trong thời chiến, ông tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong vào chiến trường khu IV đầy mưa bom bão đạn và trở về với mình mẩy thương tích cùng cuốn sổ y bạ thương binh hạng hai trên bốn. Hòa bình lập lại, ông về quê tiếp tục dạy học ở trường làng. Đến tuổi về hưu, vì uy tín và đức độ của ông nên dân làng Tân An chúng tôi đều đồng lòng nhất trí đề cử, suy tôn ông vào vị trí thủ từ lo nhang đèn, trông nom khu Thành Hoàng làng là nơi thờ tự đức Thánh Tam Giang.

Thuở cắp sách đến trường, trong suy nghĩ của lũ trẻ chúng tôi, ông bề ngoài nghiêm nghị mà lại rất gần gũi, tình cảm. Mỗi lần, lũ trẻ chúng tôi trên đường đến trường hoặc đi học về mà khát nước là đều rẽ qua đình làng rồi tranh nhau uống bát nước vối được ông rót cho. Cái bát mảnh sành Bát Tràng ấm nóng vị thơm nồng của lá vối, sóng sánh màu hổ phách... đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Không những thế, chúng tôi còn được chia nhau quả táo, trái nhót... do ông từ trồng và chăm chút trong khuôn viên sân đình. Những sáng Chủ nhật không phải đến trường, lũ trẻ chúng tôi lại cắp sách ra đình để ông từ kèm cặp phụ đạo thêm. Có giai đoạn, Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trương cấm mở lớp dạy học thêm. Phòng Giáo dục & Đào tạo trên huyện về làng thanh tra đòi kỷ luật ông từ. Dân làng chúng tôi đồng thanh phản đối và xuất trình đơn xin học thêm do phụ huynh học sinh ký xác nhận đề nghị cho con em mình theo học lớp phụ đạo ngày Chủ nhật của ông từ. Lại thêm thầy hiệu trưởng trường làng trình bày rằng: lớp học phụ đạo là hoàn toàn miễn phí, không truy thu tiền học thêm của các cháu nên Phòng Giáo dục & Đào tạo mới không thể làm khó ông từ và dân làng.

Mỗi buổi chiều hè thả trâu ra đồng, lũ trẻ chúng tôi còn được ông từ hướng dẫn cách làm sáo diều rồi thi xem diều của ai bay cao bay xa hơn. Mùa lễ hội đầu xuân, ông làm đất nặn tò he cho chúng tôi chơi. Những chú tò he mang hình hài Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đôremon, thủy thủ Mặt Trăng... gắn liền với giấc mơ tuổi thơ tôi dưới đôi bàn tay khéo léo của ông trở nên thật đáng yêu và ngộ nghĩnh. Thấy chúng tôi chuyền tay nhau thích thú, ông nở nụ cười móm mém hiền từ, khóe mắt in hằn những nếp nhăn nheo chạy dọc ngang như cành khô mùa cây thay lá.

Mùa lễ hội đầu xuân, ông làm đất nặn tò he cho chúng tôi chơi

Năm vừa qua, tôi về thăm quê sau những tháng ngày mưu sinh xa xứ! Ông từ theo quy luật tất yếu của tuổi già đã trở nên mắt mờ chân chậm nhưng ông vẫn còn đủ minh mẫn để nhớ và nhận ra tôi. Bao năm xa quê, giờ quay trở lại, tôi chứng kiến làng mình thay da đổi thịt trong cảm xúc buồn vui lẫn lộn của lòng người.

Làng tôi đổi mới lên phố huyện trong công cuộc quy hoạch khu dân cư của chính quyền địa phương. Đường vào làng được đổ bê tông thẳng tắp, còn đâu rơm rạ, lũy tre, bến nước... Đồng lúa thẳng cánh cò bay đã thành những khu công nghiệp sầm uất. Dân làng tôi lam lũ bao đời lấy nghề trồng lúa nước của ông bà tổ tiên làm kế sinh nhai, giờ người đi làm nhân công cho các khu công nghiệp Đài Loan, người bỏ ra thành phố kiếm nghề khác mưu sinh, thanh niên được học hành có tí chữ và bằng cấp thì đi làm bàn giấy văn phòng trên tỉnh... Thấp thoáng trong những ngôi nhà cao tầng mới xây theo kiến trúc hiện đại vẫn còn lác đác đâu đó bóng dáng nếp nhà xưa với ba gian ngói đỏ đã phai màu. Thỉnh thoảng, tiếng bóp còi, rú ga của đám choai choai mới lớn đầu nhuộm tóc xanh tóc đỏ cưỡi xe máy phân khối lớn vụt qua làm tôi giật mình. Xen lẫn là tiếng xì xồ "nỉ hảo", "ủa pú tủng" của dân Tàu trong khu công nghiệp ngồi trà chanh chém gió giờ tan tầm bên mấy quán nước ven đường. Trước sân nhà ai, trẻ con lên bảy lên tám dăm ba đứa tay cầm Iphone, Ipad đánh điện tử tanh tách!

Duy chỉ còn cây đa, sân đình vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức thời gian, giữ lại nét cổ kính, tôn nghiêm để ký ức tuổi thơ tôi còn có cơ hội được tìm về những giá trị văn hóa tâm linh của làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên. Ông từ ngồi dưới ghế đá bên gốc đa sân đình lặng lẽ trong ánh nắng heo hắt cuối chiều! Cơn gió đầu đông cuốn những xác lá vàng rơi đi xa tít. Đâu đây văng vẳng tiếng đọc thơ của trẻ mục đồng:

              "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
           Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng..."

                                (thơ Trần Đăng Khoa)

Tôi quặn lòng nhìn làng mình trong tạp nham, lai căng ở thời kỳ quá độ từ làng quê lên phố huyện. Bên cạnh sân đình, một cái lán dựng tạm được xây lên để buôn bán, tập kết xi măng, sắt thép đáp ứng nhu cầu phục vụ tận nơi vật liệu xây dựng của dân làng trong thời kỳ quy hoạch đổi mới khu dân cư. Người Tân An quê tôi truyền tai nhau: chủ lán vật liệu xây dựng là đại gia kinh doanh có máu mặt trên tỉnh về đây mở thêm chi nhánh nên dù biết họ lấn chiến đất công sang khu sân đình, đêm đêm tụ tập ăn nhậu, bài bạc, nhạc xập xình ủm tỏi cả lên... ảnh hưởng đến trật tự thôn làng và sự tôn nghiêm của nơi thờ Thánh mà không ai dám làm gì! Ông từ thấy chướng mắt và nhắc nhở liền bị chủ lán cho người nhà ra đe nẹt, dọa dẫm... Các già trong làng thì thầm nhỏ to: "Tụi trẻ giờ làm càn quá. Nói năng với người lớn chẳng còn phép tắc lễ nghi gì nữa"!

Sớm nay, dân làng Tân An chúng tôi họp nhau trước sân đình để tiễn ông từ và bà từ vào thành phố Hồ Chí Minh đoàn viên cùng con cháu. Nghe nói, anh con trưởng nhà ông từ đã nhiều lần muốn đón bố mẹ vào đó mà ông bà không muốn xa quê, lại lo hương hỏa mộ phần tổ tiên không ai thờ tự... Lần này, cả anh con trai và cô con dâu đích thân về đón, lại thêm sự động viên của dân làng để ông từ được có những ngày thanh nhàn quây quần bên gia đình nên hai ông bà đành ngậm ngùi từ biệt!

Nhìn dáng ông liêu xiêu bước đi xa dần sân đình, hai dòng nước từ khóe mắt tôi chảy dài trên má. Đứa em tôi đứng cạnh huých tay:
- Sao mà khóc?
Tôi điềm nhiên:
- Khóc đâu! Làng mình hòa chung trong cuộc biến thiên thời kỳ mở cửa của đất nước với bao vận hội mới... Mở cửa thì gió phải vào. Gió mang cả không khí trong lành nhưng ít nhiều mang theo cả những bụi bặm... Bụi làm cay mắt đấy, khóc đâu mà khóc!

Warszawa, mùa hè 2013
Hoài Hương

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ hai, 03/06/2013 - 23:22

Thêm bình luận