Người miền Nam

Người miền Nam

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Tôi đã có lần đọc báo, thấy có câu chuyện một người miền Nam lần đầu tiên ra thăm Hà Nội. Một buổi sáng, người đó ra chợ để mua chiếc áo len. Khí hậu ở miền Nam ấm áp, đâu có cần áo len, nên mới có ý ra đây tìm mua cho tiện. Ngó vào một cửa hàng, người miền Nam được bà chủ đón chào đon đả. Cô giúp việc bà chủ thì xoắn xít giới thiệu áo len các kiểu, các mầu. Đến khi hỏi giá thì người miền Nam đã được trả lời với giá cao ngất ngưởng. Vị khách bèn cám ơn rồi bước chân đi ra. Nhưng, khi bước chân của Người miền nam chưa qua hết cửa thì đã được nghe những lời như muốn ù tai: "Rõ là đồ trọ trẹ, sáng ra đã ám người ta, không có tiền mà cứ bày đặt sờ soạng hết áo này đến áo khác". Người miền Nam đớ người, quay mặt lại thì được tiếp bằng cái nhìn như muốn cắn xé của bà chủ. Người miền Nam dù rất bực nhưng không thể nói gì đành phải bỏ đi, tự dằn vặt mình không hiểu tại sao lại bị chửi rủa.

Tôi là người miền bắc nên hiểu ngay: Đó là cái văn hóa "dân buôn Bắc kỳ". Cái văn hóa này còn được xuất cảnh sang cả Ba Lan bởi nhiều khách mua hàng của người Việt ở đây đã bị đốt vía, bị chửi cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Ba Lan cũng chỉ vì sờ soạng hàng của người ta mà không chịu mua.

Câu chuyện của Người miền nam kể trên có liên quan đến chuyện của tôi, mà tôi muốn kể cho mọi người cùng nghe đây. Ấy là, vừa rồi tôi có dịp về thăm một người bạn ở TP Hồ Chí Minh. Bạn tôi cũng là người miền Bắc nhưng khi quyết định về Việt Nam thì lại thích sống ở miền Nam. Bạn tôi nói: "Ở trong này cái gì cũng hơn ngoài ta, từ khí hậu cho đến con người". Tôi gật gù nhưng cũng chưa hiểu lắm.

Một ngày đẹp trời, tôi cùng bạn đi phố ngắm cảnh, sắm vài thứ đồ cần thiết. Chúng tôi đi đến một chợ nhỏ nhưng có nhiều hàng may mặc đẹp, hợp thời trang. Vóc người tôi nhỏ nên đồ may mặc ở Việt Nam nhiều khi cũng làm tôi vừa ý. Tôi mua được hai chiếc váy với giá 500 nghìn đồng một chiếc. Sau đó chúng tôi còn qua một vài cửa hàng nữa để xem thêm. Đi đến một cửa hàng, bạn tôi bảo vào đây một chút. Mới thoáng thấy cô bạn tôi, chủ cửa hàng đã tươi cười chạy ra: "Mời em vô đây, hôm nay em có cần gì không?". Bạn cho tôi biết đây là chỗ đã quen biết do một lần mua đồ ở đây và giới thiệu tôi với bà chủ cửa hàng. Chúng tôi nói chỉ ngó thôi chứ chưa chắc đã mua gì. Tuy vậy, do cửa hàng có nhiều áo quần bắt mắt nên chúng tôi cũng "tham quan" mất gần nửa tiếng. Tôi để chiếc túi với 2 cái váy đã mua ở nơi khác trong phòng thay đồ để thử những chiếc áo, váy. Thế rồi đến lúc ra về thì để quên luôn ở đó.

Khi chúng tôi quay trở lại cửa hàng để xin lại túi đồ bỏ quên thì bà chủ đã không thể tìm thấy. Người giúp việc nói rằng, sau khi chúng tôi đi khỏi thì một khách qua đây mua đồ. Có thể là cô khách ấy đã cầm luôn túi đồ đó. Bà chủ ngay lập tức phái cô giúp việc đi tìm người khách nọ. Cả khu chợ nhốn nháo, các chủ hàng hỏi nhau để nhận dạng người khách "cầm nhầm" túi đồ của chúng tôi và bảo nhau đi tìm giúp. Có người nói đã thấy cô ấy ra xe ô tô và đi về nhà rồi. Tôi bần thần vì tiếc công đi lùng cả buổi sáng mới được 2 chiếc váy ưng ý. Bà chủ nói với nét mặt buồn: "Các em cứ để điện thoại lại, tôi sẽ cố tìm cho ra cô khách đó và nếu lấy lại được đồ thì sẽ báo cho các em ngay". Nghe nói vậy nhưng tôi cứ đinh ninh rằng, bà chủ chỉ nói thế để an ủi mình thôi. Quen biết sơ sơ, vào cửa hàng người ta sờ soạng cả nửa giờ đồng hồ rồi chẳng mua gì cả, ai hơi đâu mà tìm đồ bỏ quên cho mình.

Nhưng rồi ngày hôm sau tôi đã nhận được điện thoại. Bà chủ cửa hàng kia đã cho tôi biết túi đồ bỏ quên đã được tìm thấy. Thì ra, người khách "cầm nhầm" khi về đến nhà đã nhận ra có một túi đồ không phải của mình và mang trả ngay (hôm đó cô đi sắm được nhiều thứ nên khi vào đến cửa hàng này đã có rất nhiều túi). Điện thoại đã được gọi đến nhà bạn tôi, nhưng tối qua chúng tôi đi chơi nên chẳng có ai nhận.

Tôi rất vui vì nhận lại được những chiếc váy của mình. Từ lúc này tôi mới hiểu câu nói của bạn tôi: "Ở trong này cái gì cũng hơn ở ngoài ta".

Xuân Nguyên

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ tư, 13/02/2013 - 08:09

Thêm bình luận