Giọt nước mắt người xa xứ

Giọt nước mắt người xa xứ

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Tháng 2 vẫn thường là tháng rét đậm ở Ba Lan. Mùa đông năm nay không khí lạnh về muộn nên lúc này dường như muốn bù lại bằng những ngày hanh giá, làm đông cứng cả dòng sông Vi-soa.

Thu ngồi trước cửa quầy, ủ mình trong chiếc áo dày có mũ, chùm lên ngoài cái mũ len. Chiếc khăn quàng cổ cũng được kéo cao lên làm cho khuôn mặt cô chỉ còn hở ra hai con mắt. Nhưng cho dù chỉ thấy đôi mắt, nỗi buồn tê tái vẫn lan tỏa ra từ khuôn mặt của cô.

Mới ngày hôm qua thôi, chợ “Sân Vận Động” đã náo loạn y như trước một thảm họa sóng thần. Khi nghe thấy tiếng gọi nhau í ới, rằng Hải quan và Biên phòng Ba Lan đang kiểm tra ở đầu “Dốc Damis” thì Thu đã thấy rất nhiều người Việt chạy qua quầy của cô. Thu chỉ kịp khuân mấy bịch hàng kê bên ngoài vào trong kiot, khóa cửa rồi cắm đầu chạy theo họ. Những chiếc áo được treo làm mẫu, không kịp chạy, bay phất phơ trước gió.


Một cuộc kiểm tra của các lực lượng an ninh trên chợ Sân Vận Động, Vac-sa-va (ảnh có tính chất minh họa)

Những người chạy, bỏ lại quầy sau lưng, phần lớn là những người không có giấy tờ tùy thân hoặc không có giấy phép kinh doanh. Thu là một trong những người thiếu cả hai thứ đó. Mặc dù sang đây đã được 4 năm, nhưng cô vẫn không có cách gì để hợp pháp hóa cuộc sống lao động của mình. Một đối tượng vượt biên trái phép, đi làm thuê, không có tiền nhiều thì làm sao có giấy tờ được.

Cái quầy này là do ông Tới (người thuê Thu làm việc mấy năm vừa rồi) cho Thu thuê lại. Vợ chồng ông mới chuyển sang làm quán bar ở ngoài phố. Vợ chồng Thu nhận thuê lại quầy, trả tiền chênh cho ông hàng tháng. Hàng họ thì được ông để lại cho bán và lấy thêm của những chủ hàng khác. Những tưởng từ đây, cuộc đời cô bước sang trang mới, tốt đẹp hơn, nào ngờ.

Chiều tối hôm qua, sau khi lực lượng kiểm tra rút hết cùng với những chiếc xe lớn chất đầy ắp hàng “vô chủ”, vợ chống Thu mới trở lại quầy. Tất cả những gì trong đó đã ra đi, chỉ còn lại mấy chiếc áo mẫu đã bám đầy bụi vẫn hiên ngang đứng lại. Cả hai dãy của “Dốc Damis” tan hoang. Những khuôn mặt người vốn bụi bậm nay lại nhàu nát thêm với những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Sáng nay, Thu đã gọi được mấy bịch hàng mới. Mấy chủ hàng đưa ra và cũng để thăm hỏi để biết số hàng của mình thực mất là bao nhiêu. Những hàng trả tiền chậm thì được chủ hàng chia sẻ, còn những hàng đã được “cốp” thì coi như tiền nợ của mình. Cảnh chợ tháng 2 cùng với dư âm của “trận càn” hôm qua làm cho cả chợ vắng lặng, khách mua hàng không cả muốn nhìn vào các quầy mới bị kiểm tra với một ít hàng lơ thơ trên sạp. Những người Việt bỏ bán hàng, đứng túm năm, tụm ba nói chuyện, kể cho nhau những mất mát vừa xảy ra. Nỗi lo sợ vẫn còn hằn lên trong từng khuôn mặt.

Chồng Thu từ đầu dốc trở về, vứt tờ báo “An ninh thành phố” xuống sạp hàng nói một câu cộc lốc: Xem đi mà biết, rõ là một lũ chó chứ không phải là người.

Chồng Thu cũng là người cùng quê với cô. Cái đất nghèo, cằn cỗi ấy đã đưa đẩy hai người đến đây gặp nhau, để rồi cưới nhau thành vợ chồng. Họ cùng vượt biên một lần vào đất Ba Lan. Khi đó cũng là mùa đông. Những người vượt biên đang phải lội tuyết dày qua một khu rừng gần biên giới thì bị phát hiện. Tất cả đều chạy thục mạng theo một phương án đã được định trước. Anh trai của Thu bị trượt chân, ngã xuống khe núi và đã vĩnh viễn không trở về. Người chồng của Thu bây giờ thì vấp ngã, bị gãy chân, may mà mấy người đi cùng dìu được cậu ấy về đến nơi tập kết. Cả nhóm chỉ có mình Thu là con gái, lại là người cùng quê nên cô được giao chăm sóc cho cậu ấy. Sau ba ngày nữa họ mới về được nơi an toàn và cái chân gẫy mới được nắn bó lại, từ đó thành tật. Đã có người nói, rằng nếu được mổ và ghép lại xương thì có thể khỏi được. Nhưng chưa biết đến khi nào họ mới có tiền để mổ.

Thu nhìn từ xa tưởng là báo Ba Lan nói về “trận càn” ngày hôm qua nên không có ý đọc. Làm sao mà đọc nổi báo Ba lan trong khi mấy năm qua cô chỉ lo đi làm kiếm tiền từ sáng sớm đến tối mịt. Cô bán hàng bằng máy tính tay và cái miệng lúc nào cũng thường trực một nụ cười đón khách.

Nhưng rồi Thu đã cầm tờ báo lên vì nhìn thấy những hàng chữ Việt. Một tít đề to tướng ngay trên trang nhất: “Những người dân vùng bão bị cướp gạo cứu đói trong dịp tết”. Thu quên hết cái lạnh của mùa đông. Cô đọc kỹ từng dòng, càng đọc càng bị lôi cuốn. Đúng rồi, đây chính là vùng quê của cô, cái xã vùng ven biển, cái nôi của cách mạng. Mới tháng 8 vừa rồi, cơn bão lớn đã tràn qua san bằng những xóm làng. Nước triều lớn còn kéo theo cả nhiều người và thuyền bè ra biển. Những “Việt kiều” như cô đều đau xót, cảm thương. Hội người Việt, Hội đồng hương kêu gọi mọi người giúp đỡ với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”. Những người như Thu thì được vận động là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tất cả đều hăm hở làm cái việc đầy ý nghĩa ấy.

Vậy mà, rõ ràng là tờ báo từ trong nước gửi sang không thể nói sai. Những dòng chữ in đậm, những con số nhòa đi vì những giọt nước mắt của cô rơi xuống. Sự thật luôn phũ phàng: “Những hộ gia đình gặp thiên tai của xã X.H. của Hà Tĩnh đã được đồng bào khắp nơi trong cả nước và ngoài nước giúp đỡ để có cái tết ấm cúng. Tuy vậy, thay vì mỗi nhà được chia 10 kg gạo thì họ chỉ được nhận 2 kg. Ban kiểm tra của tỉnh đã phát hiện số gạo này đã bị những phần tử thái hóa, biến chất trong lãnh đạo xã giữ lại, chia chác cho nhau”.

Thu ngẩng mặt lên nhìn bầu trời. Trời trong xanh, đầy nắng, mà sao cái lạnh cứ như cứa vào da, vào thịt. Cô phải đứng dậy để đôi chân khỏi tê cứng. Những giọt nước mắt rơi trên tờ báo đã biến thành đá, như một viên bi nhỏ.

“Mẹ ơi, tết này con lại không về được”.

Xuân Nguyên

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ năm, 07/02/2013 - 06:51

Thêm bình luận