Xem phụ nữ Mường rít thuốc lào

Xem phụ nữ Mường rít thuốc lào

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Xã Ân Nghĩa (Lạc Thủy, Hòa Bình), có con đường độc đạo dành cho dân đi phượt xuyên rừng Cúc Phương sang Nho Quan, Ninh Bình. Và ở đó còn có đặc sản của người Mường mà có lẽ ít người biết đến đó là phụ nữ ở đây hút thuốc lào rất “thợ”.

Gặp nhau chị em vui vẻ trò chuyện và cùng rít thuốc.<br />
 Ảnh: Minh Hiếu

Gặp nhau chị em vui vẻ trò chuyện và cùng rít thuốc. Ảnh: Minh Hiếu.

Chuyến phượt bất thành

Sau mấy câu chuyện bên ấm nước rừng được nấu bằng mấy loại lá, biết chúng tôi có ý định phượt sang Cúc Phương, anh Bùi Văn Diễn (50 tuổi, là trưởng thôn xóm Khanh, xã Ân Nghĩa) bảo: Thật ra đi như này hơi ngược vì nói thật chúng tôi không có giấy phép dẫn du khách vào rừng mà phải vào từ Cúc Phương rồi hướng dẫn viên người ta dẫn sang đây mới phải.

Rồi anh trấn an: “Nhưng không sao, thỉnh thoảng tôi cũng dẫn khách qua bên đó. Có lẽ tôi là trường hợp đặc biệt nên họ đặc cách. Ở cái bản nho nhỏ này cũng có dăm gia đình làm dịch vụ du lịch như tôi. Du khách có thể đặt cơm, ăn ngủ cùng gia chủ mà giá rất bình dân”.

Anh nhìn chúng tôi cười và nói: Ăn mặc thế này cũng không phượt sang bên đó được đâu vì đường cực kỳ khó đi. Thôi, các anh muốn tôi vẫn dẫn đi, khi nào mệt thì quay lại.

Ba chúng tôi cùng anh men theo con đường nhỏ vào rừng già. Thoạt mới ở mé rừng đường dễ đi, nhưng càng vào sâu thì càng khó. Có nhiều chỗ chỉ một người có thể lách qua, tôi luôn có cảm giác phía trước là đường cụt.

Tranh thủ hỏi chuyện anh: Một năm có khoảng bao nhiêu khách phượt theo đường này? Anh kể: Cả năm có khoảng hơn 1.000 lượt khách. Trong đó dễ đến 90% là khách Tây, còn lại là Việt kiều.

Ít đoàn khách nội lắm. Từ đây sang bên Cúc Phương khoảng gần 20km. Đi khỏe như chúng tôi chỉ mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ. Còn khách du lịch có đoàn đi cả ngày mới sang được.

Điểm đến cuối cùng của chuyến phượt là xóm Bống. Xóm Bống bây giờ chưa có điện lưới, chỉ có điện máy nổ. Ngày xưa cũng có một bản người Mường sinh sống ở đấy, nhưng nay nhà nước đã di dời họ ra khỏi rừng .

Mới vào khu rừng già khoảng chừng cây số mà tôi có cảm giác thật khác lạ. Mùa này trong rừng nhiều hoa, tiếng chim cũng lắm. Chỉ có điều đường thì khó đi quá. Đến một khe suối cạn, ngồi nghỉ tôi hỏi tiếp và anh Diễn cho biết có nhiều đoàn phượt bị lạc rừng.

“Tôi nhớ cách đây mấy năm có một đoàn người Pháp phượt từ Cúc Phương sang bên này. Trong đoàn có những người đi phượt chuyên nghiệp và đã đi nhiều nơi trên thế giới nên họ rất tự tin và không mượn hướng dẫn viên. Họ mang theo những thiết bị định vị hiện đại. Nhưng nửa đêm tôi nhận được điện thoại bên Cúc Phương báo là đoàn người Pháp bị lạc rồi và có nhờ chúng tôi tổ chức tìm kiếm. Tôi cùng mấy anh em trong xóm đi ngược sang bên Cúc Phương, và đã tìm thấy họ. Nhưng khổ nỗi, trong đoàn lại có bà khách lớn tuổi, có thể lo sợ hay mệt do thay đổi thời tiết nên không thể tự đi được. Đường thì quá nhỏ, bà khách lại to nên anh em chúng tôi rất vất vả mới đưa được ra xóm Khanh. Cũng may là sau đó mọi việc vẫn ổn”.

Cách đây độ hơn một năm, có một Việt kiều sống ở Nhật thấy bạn bè người Nhật sang Việt Nam kể về chuyến đi phượt, anh thích quá, khi về nước thăm gia đình đã một mình quyết phượt.

Rồi bên Cúc Phương điện thoại cho anh Diễn báo là người ấy bị lạc và nhờ tìm kiếm. Rất may là anh ta biết nói tiếng Việt và lạc ở nơi điện thoại có sóng nên tìm cũng nhanh.

Ám ảnh của một đêm một mình trong rừng, anh ta nhờ anh Diễn chạy xe máy đường vòng khoảng gần 100 km để đưa anh ấy trở lại Cúc Phương.

Sau khoảng 3 giờ trong rừng, chúng tôi đến một khu đất tương đối bằng phẳng, anh Diễn nói: Đây là xóm Cui. Ngày xưa cũng có một nhóm người Mường sinh sống.

Nhưng do quy hoạch lại rừng nên nhà nước cũng đã di dời họ ra ngoài. Khách Tây rất thích cắm trại, đốt lửa và ngủ lại đây. Nhưng đốt lửa trong rừng tuyệt đối phải có hướng dẫn viên đi cùng vì rất sợ cháy rừng.

Anh Diễn bảo, khi còn nhỏ theo bố vào rừng còn được ông chỉ cho dấu chân hổ. Ông còn hướng dẫn cách lẩn trốn khi gặp thú dữ. Từ những năm 80 trở lại đây thì không thấy dấu hổ nữa.

Nhưng thú rừng thì còn nhiều. Nhiều nhất là gà rừng, sóc bay, hươu, nai… Vào mùa xuân thì bướm vô cùng nhiều. Có đoàn khách say sưa cả ngày trời chỉ để chụp ảnh, quay phim về loài bướm.

Nhìn mặt trời, anh Diễn nói: “Giờ gần tối rồi không thể đi sang bên đó được. Mình về bản thôi, có gì để lần khác đi tiếp nhé”. Chúng tôi phần vì mệt, phần những thứ mang theo không đủ cho một đêm giữa rừng nên đành quay lại xóm Khanh…

“Đặc sản” phụ nữ Mường hút thuốc

 Buổi tối, chúng tôi ở nhà anh Diễn. Một con gà rừng được anh nướng thơm lựng cùng với vài loại lá rừng mà như anh nói thì chỉ ở vùng này mới có. Vừa xé gà ra đĩa anh vừa kể: Món này giờ là đặc sản ở đây. Ngày trước, thú rừng còn nhiều, nhà nước chưa cấm săn nên có nhiều đặc sản lắm. Giờ thì khác rồi, một phần thú rừng cũng hiếm hơn, một phần nhận thức của bà con cũng tốt hơn nên chỉ đặt bẫy gần nhà để bắt gà rừng thôi…

Sau vài chén rượu đe - một đặc sản của vùng này, anh dẫn chúng tôi đến nhà mế Bùi Thị Ém (sinh năm 1907) - một kho chuyện sống về những tập tục người Mường ở vùng này. Đường đi khum khum theo hình quả đồi cùng núi rừng tĩnh lặng khiến tôi có cảm giác lâng lâng... Hơn 100 tuổi rồi nhưng mế Ém vẫn minh mẫn trò chuyện.

Mế Ém kể: Để nói về nguồn cội của tục hút thuốc lào ở vùng này thì mế cũng không thể biết chính xác. Mế chỉ nhớ rằng, ngày bé, trong nhà mế ai cũng hút thuốc lào. Có lẽ do suốt ngày ngửi khói thuốc mà mế nghiện. Độ hơn 10 tuổi, mế bắt đầu hút. Mế nhớ lúc đầu cũng bị ho, nhưng độ vài lần thành quen, mà đã quen rồi thì không thể nào nhịn được.

Có lẽ thời kỳ mà trai gái vùng này nghiện thuốc lào nhiều nhất là khoảng trước Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp bắt đồng bào phát nương, phát rẫy, lập đồn điền trồng cây thuốc lào, thuốc phiện. Cuộc đời phu phen luôn đói rách. Rồi những lúc đói quá, một vài người hút thử mấy điếu thuốc lào, tự nhiên thấy cảm giác lâng lâng lan tỏa, cơn réo đói dịu đi. Thế là dần dà, số người nghiện thuốc lào ngày càng tăng đến độ ai ai cũng biết hút.

Giờ mế còn hút thuốc không? Tôi hỏi. Mế chậm rãi: Ngày còn thanh niên, mế là người nghiện nặng, một ngày có lẽ cũng phải vài chục điếu. Bất kể đi đâu mế cũng mang theo cái điếu. Lúc đầu nếu phải đi xa mà mang theo cái điều cày cũng cảm thấy ngường ngượng, nhưng rồi thành quen. Mế nghiện đến mức đi đẻ còn phải mang điếu theo. Nhưng giờ thì không còn đủ sức để hút nữa rồi. Nhưng hễ cứ nghe thấy tiếng rít thuốc của ai đó, mế có cảm giác thật thèm…

Ngồi cạnh anh Diễn góp vui: Cũng có những chuyện cười ra nước mắt quanh điếu thuốc lào. Có một cô gái vùng này đi lấy chồng xa. ở đó, đàn ông hút thuốc cũng hiếm chứ nói gì đến phụ nữ. Khi biết con dâu nghiện thuốc lào, gia đình chú rể kịch liệt phản đối. Bà mẹ chồng đem cái điếu cày ném ra xe rác và tuyên bố: Nếu không bỏ được thuốc lào thì trả về nhà ngoại! Rồi chú rể và cô dâu cũng quyết tâm cai thuốc và cuối cùng cũng bỏ được. Có điều, cô gái đó ít dám về quê ngoại vì sợ nghiện lại…

Từ nhà anh Diễn ra chợ Ré khoảng 3 km Anh bảo, mình nên đi sớm để xem trọn một phiên chợ, nên khi chưa rõ mặt người chúng tôi đã lên đường. Sương mù giăng kín đường, những thửa mía xanh dài tít là nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây.

Chợ Ré, trung tâm buôn bán của xã, thoạt nhìn thì chả có gì lạ so với những chợ vùng quê khác. Nhưng điều đặc biệt ở khu chợ này là dành hẳn ra một dãy để bày bán thuốc lào. Cạnh những hàng thuốc là từng tốp phụ nữ đang túm tụm quanh chiếc điếu cày to đềnh đoàng réo ầm ầm và nhả khói. Từng làn khói nhả ra từ miệng các bà, các chị hòa quyện sương sớm tạo thành một không gian mờ mờ, ảo ảo như cõi mê.

Quan sát, tôi lấy lạ một điều, chị em nơi đây hút thuốc lào rất đặc biệt. Thuốc được cho vào điếu thật nhiều, một người châm lửa rồi điếu được chuyền cho năm bảy chị em cùng hút, cùng nhả khỏi vào giữa tạo thành những vòng tròn quyện vào nhau như không có hồi kết. Hỏi anh Diễn được giải thích rằng: Đó là một nét văn hóa đặc trưng của chị em người Mường vùng này. Chị em sống với nhau cực kỳ chân thành. Bất kể gia đình nhà ai ở bản có chuyện vui hay buồn, chị em đều đến để giúp đỡ. Và họ thường lấy điếu thuốc lào để sẻ chia.

Chúng tôi rời Ân Nghĩa trong đan xen cảm xúc vừa quen vừa lạ, trong sương mờ và khói thuốc lào bảng lảng.

Phạm Minh Hiếu (Tiền phong)

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ sáu, 15/02/2013 - 06:45

Thêm bình luận