Trường Sa – kỷ niệm và nỗi nhớ

Trường Sa – kỷ niệm và nỗi nhớ

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Nói về Hoàng Sa (HS), Trường Sa (TS), người Việt Nam dù sống ở đâu trên khắp trái đất này đều dành những tình cảm yêu thương đặc biệt cho mảnh đất quê mẹ.  Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển của Việt Nam trên biển Đông mà ông cha ta là người đầu tiên khám phá. Các thế hệ người Việt Nam đã đổ bao mồ hôi, xương máu để giữ vững bờ cõi biên cương. Nhà nước Việt Nam đã từng nắm giữ, hành xử chủ quyền qua nhiều triều đại. Tạo hoá cũng ưu ái cho Việt Nam một Trường Sa huyền ảo, giầu tài nguyên, còn rất nguyên sơ, bất cứ thế lực nước ngoài nào dù muốn cũng không thể tước đoạt được. Trải qua bao thăng trầm, Việt Nam đã chứng minh chân lý đó.

Hoàng Sa có 30 đảo đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn.

Quần đảo Trường Sa gồm nhiều đảo san hô, cồn cát, rạn đá san hô và bãi ngầm có diện tích đến vài trăm ngàn km2.

Hoàng Sa, Trường Sa từng là con tin của các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, là miếng mồi của của các quốc gia trong vùng.

Hoàng Sa, Trường Sa trước đây sống trong tôi qua những cuốn sách, bài báo, thước phim. Chỉ như vậy đã đủ thắp lên trong tôi tình yêu, niềm tự hào và cả trách nhiệm đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Từ lâu tôi vẫn mơ về một chuyến đi Trường Sa đầy sóng gió, một khi mình. mình còn sức khoẻ và cơ hội.

Đúng vậy, một ngày tháng tư 2013 tôi có chuyến đi Trường Sa. Mong ước cháy bỏng trong tôi đã thành hiện thực. Niềm vui về chuyến đi Trường Sa đã đồng hành cùng tôi suốt chặng đường hàng vạn dặm và niềm vui ấy còn mãi đến tận hôm nay.

Chuyến đi dài ngày trên một vùng biển Việt Nam rộng lớn, được nghe, được thấy bao điều mới mẻ thật sự là một trải nghiệm đặc biệt thú vị. Có rất nhiều sự kiện, câu chuyện, chi tiết chỉ khi có mặt nơi đây mới cảm nhận sâu sắc hơn, thật sự xúc động, và càng củng cố niềm tin rằng chủ quyền đất nước là điều thiêng liêng nhất.

Về chuyến đi: Mọi việc được phối hợp chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, chi tiết đến từng ngày, từng việc. Không ai phải lo lắng về chuyến đi, mà chỉ có hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Điều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là những nụ cười tươi tắn, nét mặt hồ hởi, nhiệt tình của các anh, các chị và phân đội lính trẻ hải quân phục vụ chuyến đi từ A đến Z. Chương trình công tác thật phong phú, sinh động, tác phong theo kỷ luật quân sự. Người đến từ bốn phương, ở nhiều cương vị khác nhau, trẻ ở tuổi 24 - 25, già ở tuổi 70 - 71, ai cũng ý thức về ý nghĩa chuyến đi Trường Sa. Chúng tôi đi trên con tàu khách được xem như hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay. Tàu được trang bị để có thể thực hiện chuyến đi dài ngày trên biển không phải lên bờ và tiếp tế. Sống trên tàu mọi người như anh em một nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng (có phòng 1 người, 2 người, nhiều nhất là 8 người). Đây là chuyến công tác vì nhiệm vụ chính là đến thăm các chiến sĩ trên đảo, động viên quân và dân đang công tác trên đảo, tìm hiểu đời sống, nguyện vọng của những người trực tiếp bảo vệ chủ quyền quốc gia nơi đầu sóng ngọn gió với muôn vàn khó khăn gian khổ và đề xuất giải pháp với tinh thần: “Làm cho Trường Sa mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về quan hệ quân dân. Làm cho bộ đội và nhân dân Trường Sa ấm lòng, làm cho thân nhân của các chiến sĩ Trướng Sa và đồng bào ta yên lòng- đó là phát biểu của đại tá Đỗ Minh Thái – Phó tư lện Hải quân, Phó trưởng đoàn công tác trong buổi gặp mặt quân dân trên đảo Song Tử Tây – đảo xa nhất cách Cam Ranh gần 400 hải lý.

Đến các đảo, đoàn công tác đều tiến hành lễ tưởng niệm các liệt sĩ, những người con đất Việt đã đổ xương, máu vì biển đảo Tổ quốc. Lễ tưởng niệm được tổ chức long trọng theo phong tục Việt Nam là thể hiện sự biết ơn vô hạn của nhân dân cả nước đối với sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, là ghi nhận sự cống hiến, phấn đấu vượt mọi gian khổ của những người lính đảo hiện đang canh giữ biển trời Tổ quốc. Máu của không ít những người con Việt đã hoà vào nước biển, xác của nhiều lớp người còn nằm sâu dưới đáy biển là sức mạnh giúp những người đang sống thêm ý chí, nghị lưc, chắc tay súng quyết giữ gìn chủ quyền đất nước. Biển,Trời như hoà chung vào nỗi đau mất mát của con người, sóng nước như dồn nén nỗi thương tiếc vào lòng người và được hoá giải bởi những cơn mưa chợt đến sau mỗi buổi lễ, làm tan đi bầu không khí tĩnh lặng đang dẫn về quá khứ. Đại tá Chu Ngọc Sáng – Chính uỷ lực lượng tầu ngầm khi trao đổi với chúng tôi đã khẳng định: “Muốn đất nước không có chiến tranh thì phải luôn sẵn sàng đối phó với chiến tranh”. “Không ai hiểu biển đảo hơn chúng tôi, hãy tin chúng tôi. Hải quân Việt Nam đã có sẵn các phương án, sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, kể cả phải hy sinh tính mạng vì đó là mệnh lệnh của trái tim, là ý chí Việt Nam”. Ông cũng nhấn mạnh: “Làm sao vừa bảo vệ được các quyền lợi và chủ quyền của mình, vừa không tạo ra xung đột để ảnh hưởng tới an ninh và ổn định của khu vực và quốc tế, chứ không thỏa mãn tức thời những bức xúc.

Về các chiến sĩ trên đảo: Những thử thách dù cái nắng cháy da, cơn mưa trút nước, cơn bão cuồng phong, dù thiếu nước đến từng giọt vào mùa khô như thiếu máu, thiếu rau xanh như thiếu thuốc lúc ốm đau không làm chiến sĩ chúng ta nao lòng. Từ lính trẻ tuổi đôi mươi chưa một ngày được yêu, đến các sĩ quan để lại người vợ trẻ và những đứa con thơ nơi đất liền cách xa hàng nghìn km vẫn yêu đời, luôn chắc tay súng, không sợ hi sinh, kể cả tính mạng để giữ vững sự bình yên cho Tổ quốc. Các anh dù bận rộn luyện tập, vẫn không quên chăn nuôi, trồng trọt, ca hát, chơi thể thao để có đời sống bình thường trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Cuộc hội ngộ của chúng tôi với lính, vơi dân trên đảo như là cuộc gặp mặt của những người thân. Nhưng buổi gặp gỡ chung, những buổi giao lưu văn nghệ của các đoàn văn công Phòng không Không quân, Quảng Bình, Tuyên Quang, của cả các chiến sĩ trên đảo đem lại không khí rất gia đình. Những cuộc trò chuyện riêng tư thăm hỏi đồng hương xứ mình dưới bóng cây, nơi bốt gác, trạm y tế hay nơi vườn rau làm bớt đi sự trống vắng, chốc lát giúp quên đi nỗi nhớ quê nhà.

Về người dân trên đảo: Họ cũng là người lính giữa biển Đông. Cuộc sống của họ cũng giống như cuộc sống của người lính đảo. Cái may mắn hơn là họ gia đình. Con cái họ được đến trường. Các cô, các bà tuần hai lần lên chùa thắp hương, niệm phật. Ơ đây tình quân dân gắn bó mật thiết, bát cơm chia đôi, bát canh sẻ nửa vào những ngày thời tiết nổi cơn bão tố. Trời yên, biển lặng dân đảo thích đi đánh bắt cá cải thiện bữa ăn cho lính. Lính vừa là bạn, lại vừa là thầy giáo của các cháu bé khi ở trường. Trạm xá vừa là nơi cấp cứu, phát thuốc điều trị bệnh cho lính và cho dân và cho cả dân chài gặp nạn. Dù điều kiện khí hậu trên đảo khắc nghiệt, nhưng các cháu sinh ra và lớn lên trên đảo đều rất khoẻ, ít ốm đau bệnh tật. Các cháu bé có tên như Sen (sand - cát) và Si (sea- biển) rất gần gũi với đảo. Cháu Hồ Song Tất Minh con ông bà Hồ Dương, Trương Thị Liên sinh ra ở đảo Song Tử Tây tháng 5-2009, "Song" là đảo Song Tử Tây, còn "Tất Minh" là tên của hai vị tướng của lực lượng hải quân. Phải chăng đó là sự kỳ vọng của cha mẹ muốn con mình gắn bó hơn với biển đảo.

Ngoài khơi, một hòn đảo quê hương có ý nghĩa vô cùng lớn lao - đảo là chỗ trú ẩn cho dân chài, là nơi cung cấp thêm nước ngọt, xăng dầu, thực phẩm, cứu trợ thuốc men, sửa chữa tầu bè v.v… Ngày đảo còn hoang vu (hoang vắng cả hồn ma quỷ) với bãi đá san hô, vắng bóng cây xanh, không có một động vật sống. Nay đảo đã xanh tươi như Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn với cây Bàng vuông, cây Tra, cây Nhàu, cành lá xum xuê che mát những ngày nắng nóng. Cây Phong ba Bão táp chắn sóng gió mang theo muối mặn. Nhiều cây trái từ đất liền được trồng thử trên đảo cát san hô, nay đã phát triển tươi tốt như tre ngà, đu đủ, dừa, thanh long làm cho quang cảnh trên đảo chẳng khác mấy nơi đất liền. Lợn, gà, bò, cả vịt đồng cũng sinh sôi trên đảo. Chó nuôi từng đàn hàng chục con đã tạo thêm không khí quê hương, trở thành người bạn đồng hành cùng chiến sĩ canh gác biển đảo ngày đêm rất hiệu quả. Tất cả các xã đảo đều xây dựng được nhà văn hóa đa năng, trường học, thư viện, phòng đọc sách, trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư và giáo dục truyền thống lịch sử đất nước cho quân dân trên đảo.

Những ngôi chùa to, đẹp, cổ kính, ở đó có những bức tượng bằng ngọc linh thiêng. Có tượng đài Trần Quốc Tuấn, có Đài tưởng niệm liệt sĩ. Tại chùa Sinh Tồn, tôi có vinh dự được trò chuyện với đại đức Thích Minh Huy sau khi thầy vừa kết thúc một khóa lễ. Tôi cũng được thầy Thích Ngộ Thành trụ trì chùa đảo Trường Sa Lớn tặng tràng hạt và cho điện thoại để giao lưu về tín ngưỡng.

Hoàng Sa, Trường Sa những đứa con xa đất mẹ. Hoàng Sa là biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc. Trường Sa – vùng biển rộng lớn bao la, là tài nguyên đất nước, nơi máu bao thế hệ đã nhuộm đỏ nước biển, nhưng biển đảo chưa một ngày bình yên, chủ quyền bị xâm phạm, an ninh đất nước bị đe doạ. Bằng trí tuệ, tình cảm Viêt Nam, bằng công sức, tiền của cả dân tộc, Hoàng Sa, Trường Sa - cột mốc chủ quyền Việt Nam ở biển Đông mãi hãnh diện vì Việt Nam là quốc gia biển. Cuộc sống của quân dân trên các đảo Trường Sa đã được cải thiện rất nhiều. Điện gió, Pin mặt trời cung cấp đủ điện chiếu sáng. Truyền hình, truyền thanh, điện thoại là món ăn tinh thần không thể thiếu của lính đảo đã không còn là ước mơ như vài năm trước. Lính đảo tự túc được phần lớn rau xanh, nước ngọt tằn tiện đủ dùng trong mùa khô. Trong số 21 đảo mà Viêt Nam đang kiểm soát, hệ thống phòng thủ khá kiên cố, ở những đảo nổi cây cối mọc lên xanh tốt nhìn từ biển vào chẳng khác gì đất liền.

Trường sa – những nơi chúng tôi đã đến: Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Len Đao, Nam Yết, Đá Đông A, Đá Lát, Núi Thị, Trường Sa Lớn, các nhà giàn DK – những cột mốc sống biên cương Tổ quốc sẽ mãi là nỗi nhớ, là kỷ niệm không bao giờ quên trong tôi.

Trà Lý

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ bảy, 18/05/2013 - 12:43

Bài bình luận

Tại sao lai có bức ảnh cuối cùng ở trong bài viết này,Chẳng ăn nhâp. gì với bài viêt về Hoàng Sa ,Trường Sa gì cả,đây là bức ảnh chụp ỏ Sứ Quán V N tại Ba LAN đấy chứ,Quê Việt giải thich hộ nhé

Đây là ảnh tác giả gửi về, kỹ thuật viên đưa lên. Cám ơn bạn đã góp ý. 

Thêm bình luận