BA BỂ DU KÝ 2013

BA BỂ DU KÝ 2013

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Tết này tôi quyết lên chơi hồ Ba Bể.

            Theo lịch trình chuyến xe Hà Nội – Bắc Kạn 6 giờ khởi hành, nhưng đến tận 6 giờ 30 xe mới phành phành nổ máy. Chúng tôi bắt đầu cuộc du ngoạn tham quan thắng cảnh nổi tiếng của nước Việt. Mùng bốn tết, xe nấn ná chờ khách mãi nhưng chỗ vẫn thừa. Đường phố so với ngày thường có phần vắng vẻ. Cùng đi với tôi có hai vợ chồng chú em. Lại có đứa cháu gái người Ba Lan, đương học Việt ngữ tại Hà Nội, nên cũng cho theo. Anka nguyên là con gái anh bạn thân của tôi. Xe bấm còi inh ỏi, từ từ rời bến Mỹ Đình. Đi được một quãng, chú em bắt đầu đóng vai hướng dẫn viên, chỉ một tòa nhà đồ sộ, hỏi:

            - Anh có biết tòa nhà gì không?

            - Không biết.

            - Đây là trụ sở mới của Bộ công an. To kếch xù, do Trung Quốc xây. Nhưng xây xong, sợ nó cài đặt, không dám dọn đến.

            - Đấy là chiến thuật làm trước nghĩ sau anh ạ. - Cô em dâu bình luận.

            Một đoạn nữa có hai tòa nhà lạ kiểu. Chú em lại giới thiệu:

            - Tòa kia là Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, mái trập trùng biểu tượng sóng biển Đông. Còn tòa này là Bảo tàng Hà Nội, hình kim tự tháp chổng ngược. Anh thấy có đẹp không?

            - Chú không thuyết minh thì anh không tưởng tượng được là sóng Biển Đông. Còn tòa này hình như có trông thấy ở đâu đó bên Trung Quốc.

            - Hôm trước trong Trung tâm Mỹ Đình có lễ gì ấy to lắm. – Anka bỗng nên tiếng. Con bé vẫn chưa thạo tiếng Việt, nên nói chuyện với tôi bằng tiếng Ba Lan.

-  Vào đấy làm gì mà biết lễ to? – Tôi hỏi.

-  Chúng cháu đến đây hát!

            -  Hát? – Tôi ngạc nhiên - Hát với ai?

            - Với Ewa, con bé cùng phòng, và mấy bạn gái nữa.

            -  Các bạn là ca sĩ?

            - Không.

            - Không mà lại vào hát?

            - Có anh bạn người Ba Lan làm trong ban tổ chức. Anh đến ký túc xá nói cần một tốp ca nữ người tây. Bọn cháu hiếu kỳ, tụ tập nhau đi.

            - Hát cho ai nghe?

- Không biết. Có rất nhiều quan khách sang trọng. Vỗ tay to lắm.

- Nhân dịp gì?

- Hình như kỷ niệm kết thúc chiến tranh.

- Hát bài gì?

            - „Người là Hồ Chí Minh đi khắp năm châu”. – Câu này Anka nói tiếng Việt.

            - Hát bằng tiếng Việt?

            - Vâng.

            - Có hiểu hát gì không?

            - Cũng chỉ hơi hơi hiểu.

            - Khổ - Tôi nói. – Các cháu từ Âu châu sang đây mà cũng được đóng vai những con vẹt. Vả lại hát thế tức là hát điêu. „Người” chỉ sang châu Âu, Trung Quốc rồi về, đi đâu mà những khắp năm châu.

            Ra khỏi thành phố, tôi nghiêng ngó nhìn qua cửa sổ ngắm cảnh. Ngắm mãi cũng mệt. Xe thuộc loại nhỏ. Khoảng trống giữa các hàng ghế chật hẹp. Tôi không thuộc loại người to lớn mà ngồi đầu gối vẫn cứ thúc vào ghế trước. Xe cứ như không có bộ phận giảm xóc, nhảy chồm chồm như ngựa. Nhưng mình con rồng cháu tiên, chịu khổ ải đã nhiều. Nhìn con cháu tây bên cạnh mới thấy ái ngại. Chân nó dài, dưới chân lại để cái ba lô. Đường thì xa đằng đẵng. Rất may là vì mệt quá nên tôi chợp mắt. Tỉnh dậy thấy xe đã vào thành phố, chạy dọc theo đường rộng. Hai bên nhà ống lô nhô, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ khẩu hiệu ràn rạt thì đoán là đã đến thị xã. Bấy giờ đã gần trưa. Xe đi thị trấn Ba Bể chưa đến giờ chạy. Vào quán ăn xong vẫn còn chút thời giờ, bọn tôi lang thang đường phố. Thị xã Bắc Kạn không được sầm uất như những thị xã dưới xuôi. Anka chăm chú đọc những hàng khẩu hiệu nhan nhản dọc phố, nhưng chưa hiểu hết. Tôi phải giảng nghĩa cho.

- Nghe có lạ lẫm không? – Tôi hỏi.

- Tất nhiên là lạ – Anka trả lời. – Nhưng Ba Lan những năm năm mươi thế kỷ trước cũng chẳng khác gì.

- Ừ - tôi nói. – Đấy cũng là một niềm an ủi cho tất cả các công dân nước Việt.

Từ thị xã Bắc Cạn đến thị trấn Ba Bể xe chạy mất khoảng một tiếng đồng hồ. Núi cao đèo sâu. Đường đi khúc khuỷu gập ghềnh. Vừa đặt chân xuống thị trấn, các anh xe ôm đã vây lại mời chào. Dân cư ở đây phần nhiều là người thiểu số. Nhưng họ ăn mặc như người Kinh, nói tiếng Kinh, không phân biệt được.

            - Vào Hồ bao nhiêu một người? – Chú em tôi hỏi.

            - Một trăm nghìn. – Đại diện phía xe ôm trả lời.

            - Sao đắt thế?

            - Đúng giá đấy. Đây chúng em không nói thách như dưới xuôi.

            Lúc ấy có thêm một xe máy lao đến, hỏi:

            - Có vào Hồ không để chở?

            - Bao nhiêu? – Em tôi hỏi lại.

            Anh đại diện xe ôm vội vàng phát ra mấy tiếng dân tộc. Anh chàng mới đến tức thì lên tiếng rất to:

            - Hai trăm nghìn!

            Anka hỏi tôi:

            - Từ đây vào Hồ bao nhiêu ki lô mét?

            Tôi hỏi lại anh đại diện thì nghe trả lời:

            - Mười tám cây số.

            - Họ nói mười tám ki lô mét. – Tôi nhắc lại cho Anka. – Nhưng họ bảo mười tám thì chắc chỉ khoảng tám thôi!

            - Vậy thì ta đi bộ - Anka đề nghị. Tôi ủng hộ không phải vì tiếc tiền. Ở bên tây tôi quen lên núi đi bộ, tám cây số chẳng nghĩa lý gì. Nhưng các em tôi quen lên xe xuống ngựa. Cuối cùng đồng ý đi mỗi người một trăm nghìn đồng.

Đi một hồi, ước chừng đã sắp đến Hồ, xe Anka bỗng dừng lại. Tôi bảo anh xe ôm chở tôi cũng đỗ lại xem sao. Té ra người nước ngoài tham quan thì phải mua vé. Không hiểu bao giờ nước nhà mới bỏ được cái tệ phân biệt chủng tộc? Ngồi sau xe, tôi để ý đếm cột cây số. Từ thị trấn vào đến hồ không đến mười tám, nhưng cũng phải hơn chục cây số thật. Các anh xe ôm chở bọn tôi đến cạnh hồ. Xa xa bờ bên kia cửa nhà thấp thoáng, có dòng suối chảy ra, bóng chiếc cầu nho nhỏ. Một người thổ dân chỉ sang, bảo: „Bên ấy là bản. Có chỗ thuê ngủ trọ”. Đường mòn vào bản men theo sườn núi quanh hồ đã được trải nhựa. Xe máy qua lại ầm ầm. Chỉ có duy nhất chúng tôi là đeo ba lô đi bộ. Bản làng dân cư đông đúc. Nhiều nhà sàn truyền thống. Nhưng dưới sàn đã không nuôi gia súc như xưa. Trong bản có đến bốn năm nhà nghỉ. Khách khứa có vẻ vắng teo. Nhà chúng tôi trọ có bẩy phòng, cũng chỉ có mỗi đoàn tôi thuê được ba. Đây là kiểu nhà sàn bằng gỗ quý. Rất sạch sẽ. Phòng chính giữa có bàn thờ, trên bức tranh vẽ cuốn thư dán ảnh Hồ chủ tịch. Hai bên cuốn thư cắm hoa đào giả, có đôi câu đối nền đỏ chữ vàng nói về truyền thống tổ tiên. Liền với nhà là lan can dưới mái hiên, là chỗ ăn cơm, uống nước, ngồi nghỉ rất thú vị. Chúng tôi trút ba lô, đặt cơm tối rồi khoác máy ảnh dạo quanh bản quanh hồ. Du khách gặp duy nhất là hai ông bà người tây. Phong cảnh rất đẹp. Bọn tôi mải mê đến xẩm tối mới về. Cơm tối đệ lên gồm mấy món. Nhưng giá trị nhất là món măng xào và con chép rán. Ông chủ nói là cá đánh ở hồ lên. Cá ngon tuyệt vời, chẳng khác vị cá tự nhiên dưới xuôi thời tôi còn nhỏ, khi môi trường môi sinh chưa bị ô nhiễm như nay. Măng thì là măng tươi, nhưng không đắng, tất nhiên là giòn, cực kỳ khoái khẩu.

            Cơm xong, ông chủ rút chai rượu ngô ra rót mời rồi ngồi nói chuyện. Ông chủ bằng tuổi tôi. Vợ chồng ông ở cùng với con trai út và con dâu. Ông nói ruộng đất quanh hồ vẫn rộng. Dân bản chỉ cấy một vụ, còn một vụ nước ngập, nhưng thóc lúa thừa ăn, không phải đói như ngày bao cấp. Ông cũng nói hồ Ba Bể sâu lắm, có chỗ đến ba bốn chục mét và nhiều cá. Mấy năm về trước đã bắt được con mè 45 cân, con chép 25 cân. Tôi bảo nếu vậy thất nghiệp, tôi sẽ về đây làm ngư phủ hoặc tiều phu. Ông chủ từng đi rất nhiều nơi như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sa Pa... học hỏi kinh nghiệm du lịch. Ông nói mình cứ nên như Thái Lan, cho phát triển du lịch tình yêu. Tôi bảo bản thân không biết thế nào là phải, nhưng nếu cấm đoán không được tốt nhất là hợp pháp hóa. Ông chủ còn là cán bộ to của xã. Ông nói hôm nay xuống bản kiểm tra, đã thấy mất một thùng rác. Phải xem nhà nào ăn cắp rồi cho công an đến hót cả thùng rác lẫn người. Đây lại kể chuyện thùng rác. Một trong những nét đặc thù của An Nam ta là đất nước dài hai nghìn cây số, không đâu thấy thùng rác công cộng. Nhưng quanh Ba Bể, do cái dự án môi sinh gì đó, cứ khoảng trăm mét có một thùng. Thùng bằng nhựa, to, cao, chắc chắn, có nắp đậy khít. Đựng thóc hoặc gạo thì chim chuột tất nhiên chịu chết. Vậy làm sao người ta chẳng đánh cắp? Đương nói chuyện thì con dâu ông chủ ra mượn hộ chiếu để vào sổ. Ông nói có người nước ngoài đến phải khai báo với công an. Tôi bảo thế kỷ hai mốt rồi lẽ nào còn thế. Ông nói bây giờ đã khá, mấy năm trước mà có người Mỹ thì phải mấy mật vụ theo dõi. Tôi bảo theo dõi cũng chỉ là chuyện nhỏ. Một đằng thì muốn người ta mở thị trường cho bán hàng, hợp tác nọ kia để làm đối trọng với Tầu, một đằng cứ chửi người ta lem lém. Và còn nhiều việc không tiện kể ở đây. Kẻ biết điều đâu có hành xử như vậy... Chuyện trò rôm rả đến khuya.

            Không khí trong lành, tiết trời dìu dịu. Đi suốt ngày mệt, lại uống mấy chén rượu ngon, tôi vừa ngả lưng đã thiếp đi. Sáng bước ra khỏi phòng trông thấy Anka, liền hỏi lấy lệ:

            - Ngủ có ngon không?

            Tưởng cháu cũng ngủ ngon, không ngờ nó nhăn nhó:

            - Mới bốn năm giờ đêm, dưới sàn con gà trống gáy cứ ầm ầm. Cháu không ngủ được.

            - Gà trống? Thôi được, ta sẽ có kế hay trừ nó.

            Ăn sáng xong, tôi gọi cô em dâu đến dặn rằng:

            - Hôm nay đi chơi, cuối ngày sẽ về đây ăn cơm tối. Em bảo nhà chủ thịt con gà làm vài món.  – Và tôi nhấn mạnh - Nhất định phải là gà trống. Không dùng trống thiến, và phải con thật to!

            - Sao lại gà trống? Em tưởng gà mái ăn ngon hơn? – Cô em dâu không hiểu ý.

            - Nhưng hôm nay anh thích thế. – Tôi không muốn giải thích dài dòng, rằng đấy chỉ là kế mượn tay nhà chủ giết gà. Nhà người có mỗi con gà trống báo thức, phải lập mưu trừ đi, âu cũng là việc miễn cưỡng. Rồi bọn tôi lục tục ra bến xuống thuyền.

            Và đây „thiên nhiên đệ nhất hồ”. Tuy chưa phải là mùa lũ, nhưng hồ cũng rất rộng. Nước xanh xanh mầu ngọc. Chúng tôi bơi thuyền máy dọc hồ. Hai bên núi đồi hùng vĩ, cây cối rườm rà, xa xa đỉnh cao mây phủ. Giữa hồ có hai hòn đảo nhỏ cỏ cây chen đá, gọi là Bà Góa và An Mã.  Một đàn cò trắng là là mặt nước bay qua. Đúng là bức tranh sơn thủy.

Đây hồ Ba Bể

Từ hồ chúng tôi vào sông Năng đi động Puông, một thắng cảnh có tiếng. Nguyên đoạn này sông Năng cũng là dòng nước đẹp. Mai ngày nếu trời có thương, cho người nước Nam no đủ, và khi ấy Ba Bể vẫn không bị người đời vô tình tàn phá, đây có thể là tuyến lý tưởng bơi thuyền độc mộc. Chỉ tiếc rằng hai bên bờ bẩn. Giấy má, lon, chai... vất bừa. Túi ni lông mắc vào những cành cây gần mặt nước phấp phới như cờ lông công.

Sông Năng

Động Puông do sông Năng chảy xuyên qua núi đá Lũng Nham tạo thành. Cửa động có bãi cát bồi rộng. Trâu vài chục con đương nằm nghỉ. Một đàn cò trắng lò dò. Dòng nước lững lờ trôi, thuyền bè có thể qua lại. Trong động ánh sáng mờ ảo, nhũ đá muôn hình, tiếng dơi ríu rít. Nhe nói đàn dơi có đến vài chục vạn con.

Động Puông

Từ đây chúng tôi lại xuôi dòng đi thác Đầu Đẳng, cũng là một thắng cảnh khó quên. Những phiến đá chồng chất chênh vênh, cây cối cổ thụ um tùm, nước đổ ào ào trắng xóa. Cạnh thác Đầu Đẳng có một cái bến gọi là bến Thác. Ở đó có quán cơm. Cập bến vào quán lại gặp ông bà du khách người tây duy nhất cùng anh hướng dẫn viên. Họ vừa nói tiếng Anh vừa ra hiệu.

Thác Đầu Đẳng

Ăn uống xong, chúng tôi tìm đường lên núi, tới bản người Mèo. Đường mòn vòng vèo, heo hút, tuyệt không có bóng người. Leo khoảng một tiếng mới ra đến bìa rừng. Lưng chừng núi, một toán người đương phạt rừng làm rẫy. Thấy bọn tôi qua, họ đứng cả lên mà nhìn. Một đoạn nữa, hai thanh cầm điện thoại di động xin chụp ảnh với cô tây. Lại đoạn nữa, một thiếu niên đi ngược chiều. Tôi hỏi bản còn xa không? Cậu bảo không xa, mời vào nhà uống nước, rồi... đi tiếp! Trong bản không có mấy người lớn. Chỉ thấy lũ trẻ, đến gần trăm đứa, đương ríu rít nô đùa trên thửa rộng khô ở đỉnh đồi. Bọn tôi làm quen rồi tạt vào một nhà dân ven đường. Nhà cửa của họ đơn sơ. Mái lợp bằng những tấm „blô-xi măng”, thứ mà bên tây đã cấm vì khả năng gây ung thư. Tường đúng là những phên thưa bằng tre lứa. Gió luồn qua kẽ hở vi vu như sáo diều. Cạnh nhà có... ăng ten vũ trụ! Mùa đông tháng giá, mình áo đơn áo kép vẫn lạnh, mà có thằng bé bốn năm tuổi chẳng chút quần áo trên người. Tuy vậy nó chạy đi chạy lại bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy ho hắng, ốm đau. Con cái nhà mình mà thế thì chắc chết hẳn...

Cô gái Ba Lan trên mặt hồ 

Đi thuyền chặng cuối từ bến Thác về nhà trọ, chúng tôi còn ghé thăm ao Tiên. Giữa rừng rậm núi cao có một cái ao bờ đá, đáy nước in trời. „Gọi là ao Tiên vì tương truyền xưa có các nàng tiên từ trên trời hay xuống tắm. Một chàng trai người địa phương biết được, lẻn đến, đánh cắp bộ xiêm áo của nàng đẹp nhất. Vầng dương khuất bóng, các nàng lên bờ rồi vội vã bay về trời. Chỉ có nàng đẹp nhất, có cánh nhưng không có quần áo, phải ở lại. Cuối cùng lấy chàng hạ giới làm chồng”. Tôi kể vậy cho Anka nghe thì nó chỉ cười mà không bình luận.

  Ao Tiên

Về đến nhà trọ trời đã nhá nhem. Cơm tối đệ lên nghi ngút toàn thịt gà. Đầu cánh nấu măng, lòng mề xào xu hào, thịt rang muối. Nhìn cái mào bằng nửa bàn tay, hai chân như chân đại bàng thì biết con gà trống đã bỏ mạng. Tôi nhếch mép cười. Nào, gáy nữa đi!  

Hôm nay bản có tổ chức lễ hội truyền thống gọi là lễ hội „Lồng tồng”. Nghe nói dân chúng vui chơi suốt ngày. Buổi tối dưới bãi còn có diễn văn nghệ. Ăn tối xong, hai vợ chồng chú em tôi mệt, đi nghỉ. Tôi dẫn Anka xuống bãi. Người đông như kiến. Bộ đèn nháy xanh đỏ lập lòe. Giữa bãi có dựng cây tre treo cờ đỏ sao vàng. Trên sân khấu căng băng chữ lớn: „Lễ hội Lồng tồng”. Tôi hỏi một người đứng bên: „Lồng tồng nghĩa là gì”? Trả lời: „Lồng tồng nghĩa là lễ hội”. Nếu vậy thì tôi cũng biết. Giữa sân khấu có cái giá đặt tượng nửa người bác Hồ. Dưới dán chú thích: „Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

            - Nhưng mà rụng mất mấy chữ. – Anka lưu ý.

            - Cũng chẳng quan trọng – tôi nói. – Ai chả biết „người là Hồ Chí Minh đi khắp năm châu”. Chữ nghĩa nhiều mệt lắm.

            Trước giờ biểu diễn có một ông được giới thiệu là bí thư đảng ủy cầm tờ giấy đọc lung tung. Nhưng ông đọc, ông nghe. Khán giả tiếp tục ồn ào. Ông bí thư đọc xong thì tốp ca nữ của bản ra hát đồng ca. Họ là những người duy nhất ăn mặc quần áo truyền thống dân tộc. Đương hát véo von bỗng máy móc tịt. Các diễn viên cười ngặt nghẽo. Người ta sửa một hồi  lại kêu. Các cô lại hát. Hát một tý lại tịt. Cứ thế ba bốn lần. Tôi chụp mấy kiểu ảnh rồi bảo Anka, thôi về. Về nhà trọ, tôi ra hiên uống nước, hút thuốc. Lại bảo bà chủ đưa lon bia nhấm nháp. Anka không uống bia, nhưng nói ngày quá nhiều ấn tượng, không buồn ngủ và ngồi tiếp chuyện tôi. Kế hoạch ngày mai chúng tôi chỉ thăm một cái động (ông chủ nói là đẹp hơn động Puông) và một bản nữa rồi rút lui. Sáng dậy muộn tý chút cũng được. Con gà trống nhà chủ bị ăn thịt rồi, sẽ chẳng có ai quấy rầy.

            Nửa đêm tôi mơ thấy gà trống nhà chủ lại gân cổ gáy. „Quái lạ - tôi bụng bảo dạ. - Bị ăn thịt rồi mà nó vẫn gáy được là cớ tại sao”? Tức thì nó biến thành con đại bàng vĩ đại tung vuốt xông đến vồ. Tôi khiếp đảm, toát mồ hôi, giật mình tỉnh hẳn. Bất thình lình lại nghe dưới sàn tiếng gà trống gáy vang. Bấy giờ mới hiểu rằng, hôm qua nhà chủ đã giết con khác thế mạng. Mưu kế hay hóa thành chuyện hão, âu cũng là ý trời!

            Sáng ra cô em dâu tôi gọi điện hỏi giờ xe thì hóa ra xe từ Bắc Kạn về Hà Nội chỉ chạy buổi sáng. Vậy hoặc chúng tôi phải đi ngay, hoặc ở thêm một ngày. Tôi vì thời gian có hạn, không thể ở được.  Ông chủ nói từ đây có xe ngày hai chuyến đi thẳng Bắc Kạn, gọi điện cho người ta đến đón. „Nếu chúng nó không đến, tôi sẽ điện bắt đến” – ông thêm. Nhưng chủ xe hứa là sẽ đón, chưa phải nhờ đến oai của ông chủ nhà. Cô em dâu tôi còn đặt bốn chỗ phía trước vì nhà có người say xe. Nhưng xe đến, bên trong đã chật. Người An Nam nhỏ bé, xe mười hai chỗ, mười sáu người ngồi cũng chẳng việc gì. Chỗ phía trước dĩ nhiên không còn. Tôi cùng Anka ngồi ghế sau cùng. Tưởng là đi ngay, chẳng ngờ họ còn đến đón ông bà khách tây. Tôi đương ngẫm nghĩ, không hiểu định nhét người ta vào đâu thì anh phụ xe bảo: „Chú ra hộ cháu một tý”. Rồi đưa ông bà tây chiếm ngay chỗ tôi. Tôi đương ngạc nhiên thì anh lại chỉ vào khe giữa hai dãy ghế bảo ngồi. Tôi càng ngơ ngác bảo đây không phải chỗ. Anh bảo cứ ngồi xuống. Tôi nói đây là cái khe. Anh bảo nhưng ngồi cũng được... Cứ nhùng nhằng, cuối cùng  tôi định kéo cả bốn người nhà mình xuống đi xe ôm. Bấy giờ anh phụ lái mới điều một ông mông to hơn ngồi vào cái khe, nhường tôi ngồi ghế. Dọc đường khách lên khách xuống. Xe đến Bắc Kạn ba chục cây số, muộn một tiếng đồng hồ. Bọn tôi ăn uống vội vàng mới kịp lên xe về Hà Nội. Xe này rộng rãi hơn. Phía trước, một bên ảnh bác Hồ dán bằng băng dính, một bên bảng giá đóng dấu đỏ: „Bắc Kạn – Hà Nội 85 000 đồng”.  Xe cũng dừng liên tục cho khách khứa ba beng bị bọc lên xuống. Đến một bến ở Thái Nguyên, lái xe cũng xuống. Hỏi ra mới biết nghỉ mười lăm phút. Hai ông bà tây ở Ba Bể về cùng xe. Chúng tôi xuống đứng vệ đường, hai ông bà cũng xuống đứng cạnh. Bấy giờ mới có dịp trò chuyện cùng họ. Khoản tiếng Anh đã có Anka hỗ trợ. Hỏi: Ông bà từ nước nào đến? Trả lời: Từ Na Uy. Hỏi: Ở Việt Nam cái gì thích nhất? Trả lời: Giá cả phải chăng. Tôi khoe, đấy là ông bà đã bị chặt chém gấp đôi rồi, không có còn rẻ nữa. Lại hỏi: Cái gì làm ông bà khó chịu nhất? Trả lời: Bẩn, chỗ nào cũng bẩn. Rồi bà Na Uy hỏi: Sao mà bẩn thế? Trả lời: Tại cái ông trăng trắng... Tôi định giải thích, nhưng chưa hết câu, bỗng giật mình sợ người nghe thấy, quy cho phản động, liền tức thì ngậm miệng. Bấy giờ không hiểu ai hun gì mà khói bay mù mịt. Bà Na Uy lại hỏi: Người ta đốt cỏ ở ngoài đồng? Trả lời: Việt Nam không có tục đốt cỏ ngoài đồng. Hỏi: Sao khói ở đâu mà lắm thế. Trả lời: Chắc họ đốt rác. Hỏi: Khét quá, đốt cả túi ni lông? Trả lời: Vâng, đốt cả túi ni lông. Bà Na Uy lấy tay quạt quạt vào mũi, miệng kêu: ay, ay, ay... Rồi bà kể đã xuống Hạ Long. Đấy cũng bẩn, nước biển đục, có muốn tắm cũng không dám. Tôi bảo bây giờ mùa đông, sợ người Bắc Âu tắm sưng phổi, người nước tôi cố ý khuấy lên! Hè mời ông bà đến tắm thoải mái. Bà Na Uy bảo hè biển nước bà cũng ấm, tắm ở nhà...

Qua tòa nhà rỗng của Bộ công an, em tôi quên là đã giới thiệu, lại nói:

            - Đây là trụ sở mới của của Bộ công an. To kếch xù, thuê Trung Quốc xây. Xây xong sợ nó cài đặt, không dám dọn đến.

            - Biết rồi, nói mãi, khổ lắm! –Tôi bảo.

            Xe bấm còi inh ỏi, từ từ tiến vào bến xe Mỹ Đình.

            - Đi lại vất vả thế, có hối tiếc là đã đi không? - Tôi hỏi Anka.

            - Hồ Ba Bể rất đẹp – Anka nói. – Vất vả thế chứ vất vả nữa đi cũng xứng đáng.

            Vừa xuống xe đã dăm bẩy anh xe ôm xúm lại.

            - Chở cô tây này về ký túc xá bên Bách khoa hết bao nhiêu? - Tôi hỏi một anh.

            - Một trăm năm mươi nghìn. – Anh này trả lời.

            - Không được! - Anka bất ngờ giãy nảy bằng tiếng Việt - Hôm trước cháu đi xe ôm ra đây mất có bẩy mươi nghìn.

            - Thấy chưa? – Tôi bảo anh xe ôm – Thôi trả hẳn tám mươi nghìn. Nhưng đi đứng cho cẩn thận. - Rồi dặn Anka đến nơi, xuống xe an toàn mới được trả tiền.

             „Học người ta chỉ dạy cách nói, không kết hợp với những kiến thức phổ thông cơ bản như lịch sử, văn học, nghệ thuật, văn hóa, phong tục... , nên rất tẻ nhạt” – Anka có lần than vãn. Vậy nếu không bị chặt chém, không phải liên tục mặc cả để thực hành thì người nước ngoài khó ai có thể học được tiếng Việt. Nhưng mà nước tôi đấy, chỉ có thế thôi.

Trương Đình Toe

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ năm, 14/03/2013 - 12:14

Thêm bình luận