CHÙA NHÂN HÒA TỎA NGÁT HƯƠNG THƠM CHO MỌI NGƯỜI XA XỨ KÍNH YÊU ĐẠO PHẬT

CHÙA NHÂN HÒA TỎA NGÁT HƯƠNG THƠM CHO MỌI NGƯỜI XA XỨ KÍNH YÊU ĐẠO PHẬT

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Một ngày đẹp trời giữa lòng Châu Âu- ngày 8/6/2013. Từ sáng tinh mơ, bầu trời như cao hơn, xanh hơn, báo hiệu ngày hè lý tưởng với những ai được nghỉ và có kế hoạch đi xa cho gia đình mình. Không gian tĩnh lặng, đường phố vắng xe vì là ngày thứ 7- ngày nghỉ cuối tuần. Đối với những người xa xứ, thứ 7 họ vẫn đi làm, thậm chí còn là ngày rất nhiều người ngóng chờ, vì sẽ có đông khách và thu nhập sẽ được tăng lên. Với những người yêu kính đạo Phật, hôm nay là ngày mong đợi đã từ rất lâu- Ngày ngôi chùa thờ Phật được mọc lên, như đóa hoa tươi thắm tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa muôn màu, muôn sắc của vườn hoa xứ bạn.

Dọc theo phố Przysłość, thuộc Łazy,  xã  Lesznowola, huyện  Piaseczno- cách trung tâm thủ đô Vác sa va hơn 20km về phía nam. Trên mảnh đất hơn 8000m2, chỉ chốc lát nữa sẽ diễn ra’’ Lễ hội đặt đá xây dựng’’ chùa Nhân Hòa- trung tâm văn hóa tâm linh. Tên phố Przysłość tiếng Ba Lan nghĩa là phố Tương lai, phải chăng đây  là sự ngẫu nhiên khi chọn thế đất xây chùa? Hình như không phải vậy, mà là cơ duyên để Đức Phật sẽ tọa lạc và tỏa sáng cho những ai yêu kính Người hôm nay và mãi mãi sau này.

Để có được ngày này, những người với tấm lòng hướng Phật đã bỏ bao công sức, tâm huyết, không kể vất vả khó khăn, không chùn bước trước bất kỳ rào cản nào, từng bước, từng bước tháo gỡ. Từ những ngày đầu của năm 2010, việc phát tâm công đức để mua đất xây chùa không còn xa lạ với cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Tháng 9/2011 đã hoàn tất thủ tục xây dựng chùa. Ngày 15/4/2013 chủ tịch huyện Piaseczno ký giấy phép xây dựng. Ngay lập tức ban tổ chức đã có những cuộc họp giữa các hội đoàn và các cá nhân tích cực để lựa chọn, thành lập các tiểu ban phục vụ ngày lễ trọng đại này. Dẫu biết rằng với một việc làm xuất phát từ tâm linh tín ngưỡng của mỗi người có thể đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng tất cả cũng cùng một mục đích có được một ngôi chùa cho cộng đồng, cho tương lai của mọi người sống xa quê hương- đấy cũng là điều lý giải cho tên chùa Nhân Hòa, là những gì quý giá và đáng trân trọng nhất.  

Theo kế hoạch đại lễ chính sẽ diễn ra vào lúc 14h30, nhưng không ít người đã có mặt từ sáng sớm tinh mơ. Chúng tôi cũng đến sớm hơn, bước vào khu vực xây chùa, khung cảnh tấp nập cùng với những bừa bộn của công trình xây dựng làm tôi choáng ngợp. Kẻ lo việc này, người làm việc nọ, ai cũng có việc cần làm. Ngay phía ngoài là khu vực chùa tạm( chỗ đã từ lâu vẫn là nơi bà con vào lễ Phật), cờ, hoa, phông màn được trang trí rất đẹp. Những dãy bàn ghế được kê ngay ngắn, hình như chẳng có mấy người ngồi, ở đây không phân biệt chủ và khách. Mọi người cũng muốn được tham gia nhưng có lẽ do đã được sắp xếp và phân công nên các thành viên trong ban tổ chức rất bận rộn. công việc tuần tự diễn ra. Trong lễ đường, các phật tử đang làm lễ cúng Phật với các sự thầy. Nhìn mọi  người khoác áo nâu, ngồi nghiêm chỉnh, mắt chăm chú vào cuốn kinh Phật, miệng đọc các bài giáo huấn của nhà Phật. Tôi biết họ đang rất thư thái, bao phiền muộn lo toan, bao nghiệp chướng đời thường bỗng nhiên tan biến. Chỉ có lòng hướng thiện, chỉ có tấm lòng trong sáng hướng về cõi Phật, đấy là điểm chung để tất cả xích lại gần nhau, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác.

Thắp nến trong lễ hội hoa đăng. Ảnh TT

Khu vực chính nơi diễn ra lễ hội là khoảng đất rộng đi vào phía trong- nơi sẽ mọc lên ngôi chùa trong một ngày gần nhất. Ở đây được căng nhà bạt với diện tích hơn 1800m2, nhìn từ xa như một cây nấm khổng lồ, được tô điểm rất công phu. Có thể nói ban tổ chức đã có tầm nhìn để tạo ra không gian rộng rãi và thoáng mát có sức chứa tới hàng ngàn người. Chỉ riêng phần trang trí hoa và nến dọc trên các lối đi, xung quanh khu vực lễ đài, cũng tạo cho mọi người cảm giác tôn nghiêm nhưng rất gần gũi. Trong không gian này đã được bày biện bàn ghế cho các đại biểu. Đấy là các đại diện của sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, sứ quán Thai Lan, đại diện của chính quyền sở tại…đại diện cho các hội đoàn, các tổ chức trong và ngoài nước đã và đang phát tâm công đức xây chùa. Các đoàn phật tử  từ các nước lân cận sang lễ Phật và dự lễ hội. Họ là các phật tử đến từ Hungari, Pháp, Rumani, cộng hòa Sec…Ghế ngồi dự kiến cho hàng ngàn người cũng là con số khổng lồ cần phải có. Cờ, hoa, biểu ngữ với màu sắc rực rỡ  đã nói lên công sức của cả tập thể trong suốt mấy ngày bận rộn. Nhưng đấy chỉ là những hình ảnh có thể nhìn thấy ngay được, khi đại lễ diễn ra mới thấy được sự tận tâm của họ.

Đúng giờ dự kiến phái đoàn đi đầu là các sư thầy, phía sau các phật tử, các cháu bé trang phục dành cho đại lễ tiến vào khán đài, với nghi thức ‘’ Cung nghinh Chư Tôn Đức’’. Khác với các lễ hội tổ chức của cộng đồng, mọi người không ai bảo ai đứng nghiêm chỉnh, hai tay chắp trước ngực, miệng thành kính’’nam mô a di đà Phật’’. Vậy mới biết sức tỏa sáng của Đức Phật đã thấm sâu trong từng con người Việt xa xứ.  Sau những lời phát biểu của ban tổ chức nói về mục đích và ý nghĩa của việc xây chùa, những đóng góp của mọi người để có ngày hôm nay. Tiếp theo là những lời chúc mừng của các đại biểu và những lẵng hoa tươi thắm từ muôn nơi gửi về  một lần nữa khẳng định chùa Nhân Hòa là nơi hội tụ của những người yêu đạo Phật. Không khí trang nghiêm không làm cho mọi người căng thẳng nhờ các tiết mục văn nghệ cộng đồng. Các bài hát do các ca sỹ không chuyên cất lên dịu dàng êm ái, ca ngợi Đức Phật và sự nhiệm màu  của Phật pháp, cùng với màn múa phụ họa cúa các cháu bé- những phật tử tương lai. Kết thúc bằng thủ tục đặt đá, dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người cùng với màn múa lân rộn rã vui nhộn. Mọi người hoan hỉ, những nụ cười mãn nguyện nở trên môi. Lễ Phật Đản được diễn ra theo đúng nghi thức phật giáo dưới sự chủ trì của các sư thầy. Mọi người xếp hàng trật tự, lần lượt bước lên khán đài. Dòng người dài dằng dặc trang nghiêm tiến đến làm lễ tắm Phật. Nhìn những gáo nước trong sạch được các phật tử tưới lên hai vai, lên người Phật lúc sơ sinh, tôi như nhìn thấy cơn mưa mát mẻ đã được ban xuống tắm mát cho Người khi  Đức Phật cất tiếng chào đời dưới gốc cây Bồ đề. Nhưng sâu xa hơn nữa chính lễ tắm Phật là hình ảnh gột rửa những tham, thâm, si, trong lòng mỗi người. Bước xuống lễ dài ta thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản như được Đức Phật chở che và tẩy rửa những nghệp chướng đời thường.

Lễ hội kết thúc nhưng nhiều người vẫn ở lại và cùng nhau hát bài "Nối vòng tay lớn". Ảnh TT.

Phần tiếp theo là lễ hội hoa đăng, thắp nến cầu nguyện bình an cho cộng đồng. Phóng sinh thả chim bồ câu, biểu tượng nhân từ bác ái của kinh Phật. Kết thúc bằng màn bắn pháo hoa, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp mà chùa Nhân Hòa mang lại cho mọi người. Để có những làn hương thơm tỏa ngát bốn phương này, không thể không nhắc đến những tấm lòng hướng phật của cộng đồng. Những người không muốn được nhắc tên khi làm công quả. Đấy là những người con Việt trên đất bạn, không quản thời gian, công sức, làm nên những việc tưởng rất bình thường, phục vụ những bữa ăn chay cho hàng ngàn người. Những bát bún ốc chay nóng hổi, thơm ngon. Những đĩa nộm vừa chua vừa ngọt, những đĩa nem rán vàng thơm nức. Những đĩa xôi, những tấm bánh giò …tất cả là đồ chay. Những khuôn mặt thân quen và các cháu bé đã làm nên những màn văn nghệ như các diễn viên chuyên nghiệp. Những màn trình diễn múa lân của phái Thiếu Lâm Hồng Gia. Những người đã dùng bàn tay chai sạm do lao động vất vả thu dọn, san lấp, để có được khoảng không sạch sẽ chào đón mọi người  và những người trong ban tổ chức cùng với những tấm lòng yêu đạo phật dưới sự chủ trì của các thầy, đã làm nên một đại lễ thành công rực rỡ.  Việc chùa Nhân Hòa có những khởi sắc tốt đẹp đánh dấu một cộng đồng Việt đoàn kết, yêu kính đạo Phật- nơi mãi mãi không những là chỗ sinh hoạt tâm linh cho người đang sống, mà còn là chốn nương thân của những linh hồn trở về với Phật. Chùa Nhân Hòa sẽ là một trong những ngôi chùa được mọc lên trên xứ tuyết, cho dù mùa đông có lạnh  lẽo và tuyết trắng phủ kín khắp nơi. Những người con yêu kính đạo Phật sẽ được sưởi ấm khi đến với chùa. Nơi đây không lâu nữa sẽ có ngôi chùa mang bản sắc Việt, không chỉ dành cho cộng đồng người Việt xa xứ, mà còn cho cả bạn bè kính yêu đạo Phật không phân biệt màu da, dân tộc trên đất Châu Âu.

Nam  Mô  Công  Đức  Lâm  Bồ  Tát  Ma  Ha  Tát!

                                   Vác sa va 09/6/2013

                                      Nguyễn Mai Lê.

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ ba, 11/06/2013 - 21:04

Thêm bình luận