Kiến nghị loại bỏ dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang”

Kiến nghị loại bỏ dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang”

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Ngày 23.6, Báo Lao động nhận được thư của tiến sĩ Trần Đình Bá gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng, kiến nghị khẩn cấp thủ tiêu dự án “Đường sắt đồ cổ tân trang” (dự án nâng cấp đường sắt khổ 1m) để tránh đi theo vết xe đổ của tàu biển và ụ tàu “đồ cổ” theo kiểu Vinashin, Vinalines!

Đường sắt đoạn đi qua phố Khâm Thiên, HN (chụp ngày 23.6). Ảnh: G.H

Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 3711BGTVT-KHĐT ngày 26.4 trả lời, tuy nhiên tiến sĩ Bá chưa đồng tình.

Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin lược đăng nội dung bức thư này với hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện nhằm có một phương án tốt nhất cho sự phát triển đường sắt Việt Nam.

Đường sắt “đồ cổ tân trang” sẽ cảnh báo một “Vina railways”!

Sau tai nạn lật tàu tại đoạn cua Bàu Cá (Dầu Giây - Đồng Nai) năm 1982 làm chết hơn 200 người, cùng với hàng loạt vụ đổ tàu khách S1, E1, tàu hàng... kinh hoàng, năm 2004 Bộ GTVT đã đưa dự án đầu tư 26.500 tỉ đồng - tương đương 2 tỉ USD (lúc đó) để nhập tà vẹt ngoại - tiêu chuẩn Nhật Bản 1,067m để cắt ngắn thành 1m thay thế tà vẹt bêtông 2 cục, nhằm tăng tốc chạy của đoàn tàu lên 120km/h để đạt tốc độ trung bình 80-90km/h.

Khi đó, Bộ GTVT và ĐSVN từng tuyên bố “Đến năm 2010 VN sẽ có ĐS tốc độ 120km/h - hành trình Bắc Nam là 15 giờ”. Nhưng đến nay, tàu Bắc Nam vẫn chạy 32 giờ, mà tai nạn lật tàu không hề giảm. Như vậy, dự án "Tân trang ĐS cổ” qua 9 năm vẫn chỉ là “đường sắt tốc độ thấp”. Điều này cho thấy, việc nâng cấp ĐS khổ 1m bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực đã sai lầm về luận chứng kinh tế lẫn kỹ thuật công nghệ ĐS từ những năm 2004, do thời kỳ đó việc nâng cấp ĐS 2 tỉ USD không thông qua Quốc hội và phản biện khoa học. Có thể nói “Sáng kiến đánh bóng ĐS cổ vật” nêu trên giống như việc tân trang ụ nổi, tàu biển... đã tồn tại ba thập niên qua.

Đã vậy, ĐS “đồ cổ” sau “tân trang” còn tiêu tốn thêm 1.200 tỉ đồng/năm để duy trì hoạt động. Như vậy, dự án chạy tàu tốc độ 120km/h đã “tiền mất tật mang”, và còn để lại hệ lụy cho sự nghiệp khoa học công nghệ GTVT, cản trở sáng tạo của hàng trăm tiến sĩ.

 Nay Bộ GTVT “Tiếp tục nâng cấp khổ 1m tốc độ tối đa 120km/giờ để đạt tốc độ bình quân 100km/giờ” khác nào tiếp tục sai lầm. Bởi sẽ không có ai dám “liều mình” ngồi lên con tàu với hệ thống đường sắt 1m như hiện nay để thử nghiệm tốc độ 120km/h. Vì đó là “tốc độ tử thần”, có chung tham vọng của tư duy “tân trang đồ cổ” và hứa hẹn sẽ là một “Vina railways”.

Phải xóa sổ “Đường sắt đồ cổ”…

Sau “đổi mới” 1986, tất cả các bộ ngành đều thành công lớn, nhưng Bộ GTVT mới “đổi mới nửa vời”, trong đó có “bảo tàng 3.200km ĐS cổ” khổ 1m.
 

Đến nay ĐS khổ 1m các quốc gia văn minh đều thay thế bằng ĐS khổ rộng 1,435m an toàn, tốc độ cao kết nối mạng quốc tế. Với 3.200km ĐS chạy dọc đất nước, ngành ĐS đang nắm giữ kho tài sản quốc gia có giá trị trên 30 tỉ USD, nên không được biến thành “ĐS cổ vật” hay “bảo tàng ĐS”. Chỉ cần đầu tư từ 5-6 tỉ USD (chiếm 5% GDP) thì chúng ta sẽ có hệ thống ĐS hiện đại, tốc độ cao mà giá trị sử dụng cũng như giá trị tài sản quốc gia tăng gấp nhiều lần.

Công nghệ ĐS không thể vừa ôm “ĐS cổ vật” vừa tham vọng làm mới ĐS tốc độ cao, bởi làm như thế 50 năm nữa chúng ta chưa có ĐS hiện đại. Thảm họa mỗi năm 12.000 người chết, 30.000 người bị thương, gây thiệt hại 2 tỉ USD/năm từ TNGT, trong đó có nguyên nhân từ việc kìm hãm ĐS lạc hậu, kéo theo hệ lụy GTVT quá tải, gây thảm họa giao thông trên đường bộ.

Triệt để xóa sổ ĐS 1m để có chỗ cho ĐS 1,435m hiện đại tốc độ cao 150-200km/h mới là thực sự đổi mới, và vì lợi ích cộng đồng. Còn việc Bộ GTVT cho rằng: “Coi ĐS là loại hình vận tải đường dài chủ đạo về hành khách trên tuyến Bắc - Nam và hàng hóa cùng hành khách trên tuyến Đông - Tây...” là chưa thoả đáng và đúng tầm. Vì ĐS Bắc - Nam là trục giao thông quốc gia phải chuyên chở được hành khách và cả hàng hóa siêu trường siêu trọng để phục vụ cho cả nhiệm vụ đặc biệt là QP – AN. Đây là sai lầm từ năm 2004 nên đã kìm hãm sự nghiệp ĐS. Bởi hệ thống ĐS 3.200km chính nó đã có tầm quan trọng đặc biệt chiến lược về kinh tế xã hội lẫn QP – AN. Hủy các dự án ĐS cải tạo để làm ĐS quốc gia tốc độ cao là một việc làm sáng suốt, hợp lòng dân.

Huy Bình (lược ghi)

Lao Động

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ tư, 26/06/2013 - 07:39

Thêm bình luận