Bị cáo phủ nhận chuẩn bị vũ khí chống lệnh cưỡng chế

Bị cáo phủ nhận chuẩn bị vũ khí chống lệnh cưỡng chế

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Chiều 2/4, bị cáo Đoàn Văn Sịnh khai tham gia lập hàng rào, tưới xăng lên lối đi, rải rơm cản đoàn cưỡng chế là để "giữ đất cho gia đình".

Các bị cáo trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)<br />

Các bị cáo trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) .

Là người thứ hai trả lời thẩm vấn sau bị cáo Vươn, ông Sịnh cho biết từng tham gia các cuộc họp gia đình trong bữa cơm sau khi cơ quan chức năng thông báo sẽ thu hồi hơn 19 ha đầm nuôi tôm của ông Đoàn Văn Vươn.

“Không liên quan việc bị thu hồi đất, tại sao bị cáo lại tham gia chống cưỡng chế?”, chủ tọa hỏi. Dáng vẻ mệt mỏi, anh trai của ông Vươn cho rằng tham gia vì "tình cảm gia đình".

"Vươn đề ra kế hoạch chống cưỡng chế̉ là vì muốn giữ đất”, bị cáo khẳng định.

Trong phần lời khai vào ban sáng, ông Vươn thừa nhận đã bàn cụ thể kế hoạch chống đối và nhận được đồng tình của gia đình. Tuy nhiên, ông Sịnh khẳng định: "Khi nghe Vươn bàn việc cho nổ bình gas, bắn súng hoa cải, kích nổ mìn, tôi đã không đồng ý”.

Sau ông Sịnh, HĐXX thẩm vấn cháu ông Vươn là bị cáo Đoàn Văn Vệ về kế hoạch chuẩn bị vũ khí. Không thừa nhận lời khai ban sáng của ông Vươn rằng có đưa 6 triệu đồng nhờ đi mua súng hoa cải, Vệ khai không biết chỗ bán, cũng không biết việc ông Vươń chống đối cưỡng chế.

Trong khi đó, cáo buộc của VKS cho rằng, Vệ biết kế hoạch của gia đình nên xin tham gia, mang tiền đi mua súng nhưng không được.

Trong 6 bị cáo, ông Đoàn Văn Quý bị cơ quan công tố cho rằng là đồng phạm tích cực nhất, tham gia từ đầu đến cuối kế hoạch của anh trai. Trong khi ông Vươn khai đã giao việc thực hiện kế hoạch chống đối cho bị cáo Quý, yêu cầu cố thủ, đợi lực lượng cưỡng chế đến gần mới nổ súng, ông Quý phủ nhận. Bị cáo này cho rằng hai anh em không bàn bạc cùng như góp tiền mua súng như công tố viên cáo buộc.

Phủ nhận nhiều lời khai của anh trai, ông Quý phân tích: “Anh Vươn không ở hiện trường nhưng lại trình bày như là có mặt”. Phủ nhận cáo buộc đã làm theo hướng dẫn của anh trai khi đấu nối kíp nổ, bị cáo Quý khai: "Do xem trên tivi nên tự nghĩ ra".

“Vì sao bị cáo lại có thể đấu nối kíp nổ?”, chủ tọa hỏi dồn. Ông Quý cho hay do xem ở công trường phá đá nên biết.

Cuối phần xét hỏi, em trai của bị cáo Vươn thừa nhận đã bắn hai phát đạn vào đoàn cưỡng chế trước khi bỏ trốn bằng thuyền.

Khó nhọc khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) khai có biết về quyết định thu hồi đất cũng như kế hoạch chống đối nhưng "không tham gia". Bà lập hàng rào để̀ ngăn người qua lại chứ không phải cản đoàn cưỡng chế như cáo trạng quy kết. "Hôm xảy ra vụ án, tôi đang đưa con đi học", bà này trình bày.

Người phụ nữ thứ hai trả lời thẩm vấn là bà Phạm Thị Báu (vợ ông Quý). Phản đối việc bị quy kết chống người thi hành công vụ, bị cáo Báu cho rằng UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất không đúng thẩm quyền nên đoàn công tác thực hiện cưỡng chế là không đúng. Bị cáo cho rằng, việc chống trả của người thân không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

Liên quan đến việc rải rơm, lập hàng rào trên đường vào nhà, bị cáo cho rằng, đó là việc bình thường để "ngăn trộm".

Ngày 3/4, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Theo VnExpress

- Ngày 5/1/2012, hơn 100 cảnh sát, bộ đội tham gia cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Vươn. Một số thành viên trong gia đình ông Vươn chống đối làm 7 người bị thương.

- Chiều 5/1/2012, hai căn nhà của ông Vươn và Quý đã bị đốt, đập phá.

- Ngày 10/1/2012, ông Vươn cùng Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người. Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ.

- Ngày 10/2/2012, Thủ tướng kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật.

- Cuối tháng 3/2012, 50 cán bộ tại huyện Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý. Tập thể Ban cán sự Đảng UBND Hải Phòng bị kỷ luật khiển trách.

- Tháng 1/2013, liên quan trách nhiệm trong vụ phá nhà ông Vươn, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, nguyên phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh và 3 bị can Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện, phó trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Vinh Quang) và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) đã bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại tài sản. Ông Hiền cùng các thuộc cấp sẽ bị xét xử vào ngày 8/4 tại TAND Hải Phòng. Phiên xử do Chánh án Trần Thị Thu Hà làm chủ tọa.

*

Những phát ngôn đáng nhớ trong vụ Tiên Lãng

Vụ án "Giết người, chống người thi hành công vụ" liên quan tới Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm đang được xét xử công khai. Dân Việt điểm lại những phát ngôn đáng nhớ cách đây hơn 1 năm về trước.

Bất nhất trong phát ngôn của cựu Chủ tịch Tiên Lãng

Ngày 6.1.2012, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM sau khi tiến hành vụ cưỡng chế đầm tôm anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã khẳng định: “Khu đầm nằm trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tạm thời huyện cho thuê để “phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Ông Lê Văn Hiền: “Khu đầm nằm trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tạm thời huyện cho thuê để “phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Trong khi đó, trả lời báo Người Lao Động, cũng Chủ tịch Lê Văn Hiền lại cho biết: “Việc thu hồi 38,5 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại bãi bồi sông Văn Úc, khu vực Cống Rộc, xã Vinh Quang do ông Đoàn Văn Vươn quản lý đến nay đã hết thời gian giao đất theo thẩm quyền”.

Được biết, ông Lê Văn Hiền hiện được chuyển lên làm chuyên viên của Sở Nội vụ TP. Hải Phòng!

“Có thể viết thành sách vụ tác chiến”

Ngày 8.1, trả lời báo điện tử VnMedia, ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng – đã nhận định: “Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này… Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”.

/sites/queviet-drupal/files/remote/004b809c841809a553c808153d9d342a.jpg

Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng: Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”.

Ngay sau phát biểu này, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến: “Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng “vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng”, tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP. Ông Ca dùng các cụm từ “rất là hay”, “rất là đẹp” nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào”.

“Dân bất bình nên… phá nhà ông Vươn!”

Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng – nói trên báo Tuổi trẻ rằng: “Sau khi vụ việc xảy ra, quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân các xã khu vực ven biển huyện Tiên Lãng, rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những người cố tình chống đối”.

Trả lời trên báo điện tử Danviet ngày 18.1 về đối tượng phá nhà ông Vươn, ông Thoại đã khẳng định: “Dân bất bình nên phá nhà ông Vươn”.

/sites/queviet-drupal/files/remote/bb7384fbedad60d7776e630fa173aaf8.jpg

Ông Đỗ Trung Thoại Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng: “Dân bất bình nên phá nhà ông Vươn”.

Trên thực tế, chính quyền địa phương UBND huyện Tiên Lãng đã huy động lực lượng chức năng, thuê phá nhà ông Vươn và vụ án hủy hoại tài sản gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã được khởi tố.

Ngày 11.1, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng khẳng định trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Chúng tôi khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện là hoàn toàn đúng đắn và đúng thẩm quyền pháp luật”.

Trả lời Vnexpress, ông Khánh cũng cho biết thêm: “Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”.

Trong khi đó, trả lời Danviet, Luật sư Lê Đức Tiết – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ VN cho biết: “Trong thời gian về tận địa phương tìm hiểu sự việc, đoàn chúng tôi tiếp xúc với 11 người không hẹn trước, trong đó có những đảng viên lão thành, có người nguyên là bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, có người có đất bị thu hồi, có những người không có liên quan gì… Tất cả họ đều không tán thành với việc làm của chính quyền nơi đây. Người dân cho rằng chính quyền có những xử lý trái đạo lý. Có nhiều người nói đây là vụ việc bất bình thường.”

H.P tổng hợp

Dân Việt

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ năm, 04/04/2013 - 03:55

Thêm bình luận