Vẫn loay hoay tìm cách tăng lãi suất

Vẫn loay hoay tìm cách tăng lãi suất

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Trong khi một số ngân hàng đề nghị giảm lãi suất huy động tiền đồng về mức 5%-6% thì ngược lại, nhiều nhà băng vẫn giữ mức lãi suất huy động cao để hút khách gửi tiền.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động ngắn hạn với tiền đồng hiện nay là 7,5%/năm, từ đầu tháng 5 vừa qua, một loạt các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động về mức 6%/năm thì ngược lại có không ít ngân hàng vẫn đang giữ lãi suất huy động khá cao từ 9,5%-10%/năm cho thời hạn từ 1-3 tháng và 10%-10,5%/năm cho thời hạn 12 tháng.

Không khó khăn khi tìm ra các ngân hàng đang huy động với mức lãi suất vượt trần khá cao này tại Hà Nội. Khi khách hàng gửi tiền thì trên sổ sách vẫn chỉ ghi đúng 7,5%/năm, phần chênh lệch được ghi riêng hoặc trả luôn cho khách hàng.

Như vậy có thể nói, thanh khoản của nhiều ngân hàng đến thời điểm này không hẳn đã tốt như mọi người vẫn nghĩ. Với các ngân hàng huy động cao, đều là những ngân hàng cổ phần nhỏ, có ít chi nhánh, mạng lưới trên toàn quốc, chi phí lớn và đã cho vay bất động sản nhiều, thu nợ khó khăn. Các ngân hàng này cũng không thể huy động được vốn trên thị trường liên ngân hàng được do bị ràng buộc nhiều yếu tố nên cứ ra thị trường huy động cao để có tiền bù đắp.

{keywords}

Nếu nói về việc tuân thủ trần huy động thì rõ ràng các ngân hàng trên không thèm quan tâm. Trước đây, có thời gian khi một vài ngân hàng vượt trần huy động, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước ra tay xử lý, thậm chí là kỷ luật lãnh đạo. Nay hiện tượng này diễn ra hơn 1 năm qua nhưng chưa thấy có động thái gì từ cơ quan quản lý.

Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy. Các chuyên gia kinh tế tính toán, với những ngân hàng huy động vượt trần sẽ dễ dàng thu hút những khoản tiền gửi từ các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Gửi vào những ngân hàng nhỏ này trên sổ sách vẫn ghi đúng lãi suất trần quy định là 7,5% nhưng khoảng chênh lệch sẽ được trả ngoài và rất dễ chui vào túi một số cá nhân. Chẳng hạn, gửi 1.000 tỷ đồng chỉ cần lãi suất ở mức 9%/năm thôi thì 1 tháng khoản chênh lệch đã lên hơn 1 tỷ đồng.

Với các ngân hàng, để có khoản chênh lệch này trả cho khách hàng ,họ lại phải "diễn" những "trò" khác. Ví dụ như hợp đồng thuê văn phòng trị giá 100 triệu đồng/tháng sẽ được nâng khống lên 200 triệu đồng, thậm chí ngân hàng nhỏ có thể phải nâng khống cả những hợp đồng quảng cáo hay tài trợ... để lấy số tiền đó trả cho khoản chênh lệch tiền gửi... Điều này càng làm cho hoạt động của các ngân hàng càng kém minh bạch.

Thời gian qua, khi một số ngân hàng hạ lãi suất xuống dưới 7,5% ngay lập tức đã tạo ra hiện tượng khách hàng đến rút tiền, tìm tới những ngân hàng có lãi suất cao hơn để gửi. Đến nay, sau 1 thời gian hạ sâu lãi suất thì huy động vốn của những ngân hàng này có dấu hiệu chậm lại.  Một số nguồn tin cho biết, hiện nay nhiều nơi, cả nông thôn lẫn thành thị, tình hình huy động vốn khá căng thẳng. Một số ngân hàng thương mại lại phải đưa lãi suất lên cao để cạnh tranh thu hút vốn.

Cho đến nay, kênh gửi tiền tiết kiệm vẫn được đánh giá là có hiệu quả hơn cả, nhưng giữa việc gửi vào một ngân hàng có lãi suất chỉ 6%-6,5%/năm so với một ngân hàng từ 9,5%-10%/năm thì chắc chắn khách hàng sẽ phải "chọn mặt gửi vàng".

Theo một số khách hàng, họ không lo ngại chuyện rủi ro khi gửi tiền vào các ngân hàng nhỏ, có thanh khoản yếu vì biết chắc chắn rằng Nhà nước sẽ không để cho ngân hàng nào bị vỡ nợ, phá sản cả. Chỉ những khách hàng ở nơi không có chi nhánh của những ngân hàng huy động lãi suất cao thì đành chịu, còn ở đâu có chi nhánh thì mọi người đều bảo nhau mang tiền tới đó gửi. Khi đã huy động cao thì cho vay cũng phải cao. Qua tham khảo các ngân hàng đang huy động lãi suất cao thì lãi suất cho vay thấp nhất cũng ở mức 13,5%/năm.

Nay những ngân hàng đã hạ lãi suất thấp, nếu không tìm ra được các nguồn vốn giá rẻ, huy động gặp khó khăn, chắc chắn lại phải nâng lãi suất huy động lên và tất nhiên lãi suất cho vay không có điều kiện hạ thấp, thậm chí có thể phải nâng lên nếu không muốn gánh nặng chi phí khiến cho họ không còn lợi nhuận. Cạnh tranh trên thị trường tiền tệ vẫn không lành mạnh và đang làm méo mó hình ảnh các ngân hàng.

Trần Thủy (VEF.VN)

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ tư, 26/06/2013 - 08:19

Thêm bình luận