Ai phá thế cân bằng nhà Lê - Mạc?

Ai phá thế cân bằng nhà Lê - Mạc?

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF
Đó chính là Lê Bá Li, người nổi tiếng dũng tài, đã được phong tới tước Mai Xuyên bá dưới thời Lê Chiêu Tông.
 
Ông là một trong những người làm hậu thuẫn cho Mạc Đăng Dung lên ngôi. Bởi vậy, ông được Mạc Đăng Dung tiến phong lên tước hầu, lại gả em gái là công chúa Lương Thượng cho. Ông được tin cậy giao cho giữ đạo quân vệ Kim Ngô.

Hậu thuẫn cho nhà Mạc
 
Đến đời vua thứ tư là Mạc Phúc Nguyên lên ngôi khi còn nhỏ tuổi. Người chú là Mạc Kính Điển được giao phụ chính. Tướng Phạm Tử Nghi không đồng tình, đưa con thứ của Mạc Đăng Dung là Mạc Chính Trung lên tranh ngôi. Quân của Tử Nghi bao vây kinh thành, Mạc Kính Điển buộc phải đưa vua trẻ vượt sông Hồng đi lánh nạn. Sau đó, Kính Điển trở về cầm quân đánh nhau nhưng không thắng được. Lê Bá Li được tin, vội sai các con trai đem quân đến hỗ trợ và gửi hịch đi các đạo quân khác kéo về cứu giá. Phạm Tử Nghi thua trận, đưa Chính Trung trốn chạy sang Trung Quốc.
 
Mạc Chính Trung tố với nhà Minh, rằng mình mới là dòng dõi chính thống nhà Mạc, Phúc Nguyên chỉ là kẻ giả mạo tiếm xưng. Vua Minh sai sứ đến biên ải đòi vua tôi Mạc Phúc Nguyên đến "hội khám". Mạc Kính Điển cùng Lê Bá Li phải đưa Phúc Nguyên lên quan ải gặp sứ Minh để hóa giải chuyện này. Lê Bá Li là lão thần viết tờ văn chứng thực và biện bạch rõ ràng nên thuyết phục được nhà Minh cho Phúc Nguyên được tập phong nối tiếp triều Mạc.
 
Ảnh minh họa
 
Quyền hành, vinh hiển
 
Bấy giờ, trong triều ngoài Mạc Kính Điển thì quyền hành và sự vinh hiển không ai bằng gia đình lão tướng Lê Bá Li. Ông được thăng chức Thái tể, tước Phụng Quốc Công, là vị trọng thần chuyên giữ binh quyền, tham dự triều chính, ai nấy đều nể phục. 
 
Con trai trưởng của ông là Lê Khắc Thận, tước Phổ Quận Công, lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, lại giữ quyền Tiết chế lộ Sơn Nam Thượng kiêm Kim Ngô vệ sự. Con nuôi là Tả Ngự Hầu giữ vệ Cẩm y; con trai thứ là Thuận Lương Hầu là quản đốc Cấm binh trong triều. 
 
Ông lại là thông gia với Thư Quận Công Nguyễn Thiến đang giữ chức Đô ngự sử kiêm Thượng thư bộ Lại, nguyên là vị Trạng nguyên khoa thi thời vua Mạc Đăng Doanh. Ông gả con gái cho con trai Nguyễn Thiến là tướng quân Nguyễn Quyện.
 
Thật là một nhà vinh hoa phú quý, nên có một kẻ ghen ăn tức ở. Đó là cha con Phạm Quỳnh và Phạm Dao. Phạm Quỳnh nguyên là một kẻ nghèo hèn, bán nước trà tại thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt. Lê Bá Li thương tình cho làm đầy tớ trong nhà. Khi Mạc Kính Điển lên hai tuổi đau ốm quặt quẹo luôn, Lê Bá Li bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú nuôi Kính Điển. 
 
Khi Kính Điển lên nắm quyền, nghĩ tới tình nghĩa vú nuôi nên cho cả hai cha con họ Phạm vào làm quan. Phạm Quỳnh được giữ quyền tiết chế Đông đạo. Phạm Dao trấn thủ xứ Sơn Nam, gia hàm Thái bảo, rồi phong tước Văn Quận Công. Nhờ tài nịnh bợ mà họ được vua Phúc Nguyên tin cậy. Đã có người viết sớ can ngăn vua loại bỏ những kẻ nịnh thần, ám chỉ cha con họ Phạm, vua đọc xong, bỏ qua, mọi chuyện vẫn như cũ.
 
Không tài cán gì mà được bổng lộc, cha con họ Phạm đã không biết ơn chủ cũ thì thôi, lại còn nhăm nhe tìm cách làm hại. Lê Bá Thận tuổi còn trẻ, thích phô trương, cho xây nhiều nhà cửa lộng lẫy, sắm sanh kiệu sơn son, lọng vàng. Nhân đấy, cha con họ Phạm bèn gièm pha nói với Mạc Kính Điển rằng Khăc Thận có mưu đồ làm phản. Khiêm Vương Mạc Kính Điển là người trung hậu, công bằng nên không nghe, mà bảo:
 
- Quốc gia trông cậy vào tướng phụ (Bá Li) như quả núi cao, các ông không nên nói những lời như vậy.
 
Biết không lung lạc được Khiêm Vương, chúng đến ton hót với nhà vua. Mạc Phúc Nguyên nghe theo lời chúng, nhưng không tỏ ý hành động gì.
(còn nữa)
 
Dĩ Nguyên (Kiến thức)
Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ hai, 22/04/2013 - 09:05

Thêm bình luận