Lạ kỳ dựng "nhà lầu"... táng người chết ở VN

Lạ kỳ dựng "nhà lầu"... táng người chết ở VN

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF
Ngôi nhà táng của người Tày gồm nhiều tầng, mang dáng dấp của nhà lầu để chụp lên quan tài người chết.
 
Với người Tày, việc tổ chức tang lễ là để đưa linh hồn người quá cố sang thế giới bên kia. Vì thế, ngoài việc chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, đây cũng là dịp người còn sống báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. 
 
Ngoài quần áo, tư trang và một số vật dụng thông thường người chết từng sử dụng khi còn sống, con cháu còn phải chia thêm của cải cho bố mẹ, ông bà thông qua một số đồ mã và hiện vật mang tính tượng trưng khi họ qua đời. Trước hết và quan trọng hơn cả là ngôi nhà táng để chụp lên trên quan tài người chết. Nhà táng gồm nhiều tầng, mang dáng dấp của ngôi nhà lầu với bộ khung là những đoạn nứa nhỏ lắp ghép lại với nhau, bên ngoài dán giấy màu.
 
Nhà táng của người Tày gồm nhiều tầng.
 

Bên cạnh đó, đám tang của người Tày còn có cây hoa làm bằng giấy với các màu sắc sặc sỡ đặt ở phía chân quan tài. Đó là món quà quý giá mà con gái hoặc cháu gái tặng cho bố mẹ, ông bà khi tiễn họ sang thế giới bên kia.

Theo tín ngưỡng của người Tày, khi về thế giới bên kia, linh hồn người chết phải qua sông, qua biển rồi tới Núi Hoa. Tại đây, linh hồn sẽ được hưởng hương hoa và trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng để tiếp tục theo những cánh chim bay vào dinh Tiên cõi Phật. Trong tang lễ ở dân tộc Tày không thể thiếu cây hoa giấy, lễ vật quý nhất mà con gái và cháu gái dâng lên bố mẹ, ông bà khi họ về với tổ tiên.
 
Một ngôi mộ của người dân tộc Tày.
 

Cây hoa có màu sắc sặc sỡ, nổi bật là 24 bông hoa mặt trời và những con chim én báo hiệu điều tốt lành theo quan niệm cổ truyền. Cây hoa được thầy cúng làm lễ đặt dưới chân quan tài, rồi rước theo đám tang và được hóa cùng với ngôi nhà táng sau khi đắp xong mộ. Nếu đám ma nào có quá nhiều hoa thì phải đốt thêm hình nhân và ngựa giấy, cho chúng cùng theo về để chăm sóc hoa.

Khi làm lễ dâng hoa, ai cũng muốn hoa của mình đẹp nhất với dụng ý thể hiện sự thiếu thuận với cha mẹ, ông bà đồng thời mong muốn tạo nên “vườn hoa, cây cảnh” hấp dẫn ở cõi âm để linh hồn người chết có thể an bài, không trở về quấy nhiễu con cháu.
 
Đám tang của người Tày thường kéo dài nhiều ngày. Với sự chủ trì của thầy cúng, hàng loạt nghi lễ được tiến hành lần lượt theo một trình tự nhất định, quan trọng và ý nghĩa.
 
Do quan niệm lúc sống con người ta phạm phải rất nhiều tội lỗi, nên khi chết, hồn ma của họ bị Diêm vương bắt giữ và giam vào ngục tối cho quỷ dữ tra khảo, trị tội. Do đó phải tìm cách phá nhà ngục, giải phóng hồn ma người chết khỏi hàm răng sư tử; đồng thời rửa sạch mọi tội lỗi để được “siêu sinh tịnh độ”, lên mường trời sống an nhàn no đủ.
 
Nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu từ người chết đến với con cháu, người ta phải tìm chỗ đất tốt để mai táng, xem hướng thích hợp để đào huyệt, đắp mộ và chọn ngày tốt, giờ tốt để nhập quan, đưa tang.
 

Anh Tuấn (Kiến thức)

Người Tày là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, có dân số đông thứ hai sau dân tộc Kinh. Người Tày thường cư trú chủ yếu ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Những năm gần đây, người Tày cũng di cư tới một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ tư, 12/06/2013 - 09:05

Thêm bình luận