Ấn tượng trong tuần: Cái chết, bà Tưng và Facebook

Ấn tượng trong tuần: Cái chết, bà Tưng và Facebook

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Những thang bậc nào, sẽ làm nên giá trị của người Việt trẻ đương đại và hiện đại? Chả lẽ, đó là những giá trị đang được "thả rông", như cái cách Bà Tưng đã làm?

Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đang rộn rịp, vô tình có hai vụ việc đối lập cả tính cách, quan niệm sống, cách ứng xử với bản thân- hoặc quá tàn nhẫn, hoặc phóng túng, đều liên quan đến phái đẹp.

Đó là vụ việc cái chết của một nữ sinh rất thương tâm, xảy ra ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ngược lại, một vụ việc khác gây "sốc" với rất nhiều tranh luận đa chiều. Cả hai cô gái của hai vụ việc, đều đạt đến "đỉnh điểm" của hai thái cực tâm lý trái ngược nhau, đều liên quan đến mạng ảo facebook- sản phẩm của thời công nghệ IT.

Trái đắng giáo dục thời facebook

Ở vụ việc đầu tiên, bản chất và sự mở đầu của nó rất đơn giản, nhưng cái kết bất ngờ lại hóa ra phức tạp, khiến không chỉ người thân của gia đình nạn nhân đau đớn, day dứt khôn nguôi. Mà còn khiến cho tất thẩy những người lớn chúng ta phải nhận về mình sự thất bại xót xa.

Đơn giản đến nỗi, chỉ là một trò đùa học trò rất con trẻ- em gái N.T.T.L (sinh năm 1995) bị bạn học cùng lớp N.T.H- chụp ảnh chân dung, rồi ghép ảnh em vào ảnh một cô gái ăn mặc hở hang và tung lên mạng, dẫn đến N.T.T.L bị bạn bè trêu trọc.

Bức xúc và uất ức, chỉ vì van nài bạn học kéo ảnh xuống không được, L đã dọa tự tử. Cái kết thật đột ngột: N.T.T.L uống thuốc diệt cỏ quyên sinh. Hệt như trong những câu chuyện cổ, mà những nhi nữ  "thường tình" thường tìm đến cái chết để bảo vệ phẩm hạnh, phẩm giá của mình. Cho dù ở đây, chỉ là nỗi oan về sự ăn mặc hở hang.

Câu chuyện từ trò đùa dại dột của những học trò "nhất quỷ, nhì ma", dẫn đến vụ việc mang tính "hình sự" khiến tất thảy người lớn chúng ta bàng hoàng. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn non nớt, quá nhạy cảm, dễ tổn thương đến vậy của một cô bé ở huyện Thạch Thất, rất gần với Thủ đô Hà Nội.

Ngược lại, vụ việc thứ hai không hề có cái kết nào, tốt hay xấu, nhưng sự tranh cãi nảy lửa trong xã hội, cũng để lại dư âm không nhỏ. Người ủng hộ, kẻ chê trách. Người khen ngợi, kẻ phỉ nhổ. Người khẳng định "hiệu ứng" truyền thông, kẻ mổ xẻ "hậu quả" giáo dục... đầy lỗi.

Đó là vụ cô gái L.T. H.A có cái nick name mới nghe đã thấy hết được cá tính- Bà Tưng. Bà Tưng quê ở tận Nghệ An gió Lào khắc nghiệt, nơi có những quan niệm đạo lễ, và là đất học có tiếng. Đến độ được gọi là nơi có những ông "đồ Nghệ" (Nghệ Tĩnh), cùng với "đồ Nam" (Nam Định). Bà Tưng theo học ngành thiết kế nội thất tại Trung tâm Thiết kế và Nghệ thuật Quốc tế ADS (t/p HCM).

Sự gây "hot" của Bà Tưng cũng rất đơn giản. Đơn giản như cái hành động đầy bản năng- mặc áo "thả rông vòng một', kèm theo "khuyến mại" - những phát ngôn gây sốc trên mạng ảo, gây nên cuộc khẩu chiến giữa phái đẹp. Xin hãy thử lắng nghe, theo Infonet, (ngày 17/6):

.... Không mặc áo ngực có gì to tát đâu mà mọi người cứ loạn cả lên thế không biết. Mặc áo ngực nhiều có khả năng gây ung thư vú, chúng ta nên ít mặc.

... Tôi không có bạn trai và tôi cũng không cần có bạn trai. Vậy thì tôi cứ để phí hoài đường cong hình chữ S mũm mĩm này làm gì? Tôi đang làm việc tốt đấy chứ, và tôi nghĩ tôi đang làm ''từ thiện'' cho những người đàn ông cô đơn.

Bà Tưng, tự tử vì Facebook, người trẻ Việt, mạng xã hội, giáo dục VN, kỹ năng sống

Sự gây "hot" của Bà Tưng cũng rất đơn giản

Dù bị "ném đá" không thương tiếc, Bà Tưng "không chết" như những câu chuyện thương tâm trong truyền thống khắc nghiệt của những người con gái dám vượt qua những tập tục, lề thói sống của giới đạo. Ngược lại, sau chưa đầy hai tuần, clip của bà Tưng được hơn 30.000 người thích, gần 3.000 người chia sẻ và hơn 8.000 bình luận.

Bằng đoạn clip trên và một vài nội dung câu khách khác, Facebook của Bà Tưng đã có hơn 180.000 người theo dõi (VietNamNet, ngày 30/6)

Và giờ, Bà Tưng đã trở thành một khái niệm độc đáo, riêng biệt và nổi tiếng! Đó cũng có thể coi là một sự ... thành công. Cho dù sự thành công chẳng lấy gì làm vẻ vang, cao sang. Ngược lại, chỉ có nhiều hơn là sự đùa cợt, đàm tiếu về một cách nghĩ nông cạn nhân danh "dám sống thật là mình". Về một cách PR rẻ tiền bị nghi vấn nhằm tiến vào làng giải trí. Bởi cái sự "dám sống thật" đó, nó có phải là các thang bậc giá trị về văn hóa sống không?

Thậm chí, ngay sau khi "nổi tiếng", không mời mà đến tại cuộc ra mắt album của ca sĩ Lam Trường, Bà Tưng trở thành... "cơn gió không lành" cho ca sĩ, khi chính ca sĩ này tỏ thái độ không hài lòng và nhận xét:

Con đường để thu hút sự chú ý của cô ấy có thể nhanh nhưng đầy nguy hiểm. Cô ấy không nghĩ đến yếu tố đạo đức, không nghĩ công chúng đánh giá thế nào về nhân phẩm của mình. Theo tôi, những người có lòng tự trọng sẽ đi lên bằng chính khả năng của mình. Như thế mới có thể tiến xa. (GDVN, ngày 27/6).

Đó là sự "bán rẻ, mua đắt" đầu tiên của Bà Tưng chăng? Và hành trình kinh doanh tên tuổi trong tương lai của Bà Tưng, liệu có thuận buồm xuôi gió? Khi mạo hiểm bắt chước, học đòi một số ca sĩ nước ngòai, hoặc một số chân dài đàn chị trong nước?

Giá trị người Việt trẻ đương đại

Trước cái chết nông nổi thương tâm của cô bé N.T.T.L, báo chí liên tục có những bài viết mổ xẻ câu chuyện tội nghiệp của em, xoay quanh chuyện nhà trường thiếu GD cho học trò về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, cách đối mặt với những tình huống khắc nghiệt của thực tiễn, với rất nhiều chữ nếu, chữ giá như.

Mà quên mất rằng, người Pháp từng có một châm ngôn sâu sắc: Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai...

Và ngẫu nhiên, vào những ngày này, có một Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát công tác GD đạo đức trong nhà trường phổ thông.

Lắng nghe những đánh giá, nhận định của những cán bộ quản lý GD, mới thấy cái sáo mòn và cái lười biếng của tư duy GD. Trước những mất mát, thương tổn của ngành, trước những vấn đề nhãn tiền, là dạy trò kỹ năng như thế nào để người Việt trẻ có thể biết vượt qua muôn vàn những hiểm họa tiềm ẩn của một xã hội nhiều khủng hoảng, đang bị "băng hoại" những giá trị văn hóa, đạo đức: Tệ nạn, tội ác, sự lạm dụng, xâm hại trẻ em...

Thì những nhận định, đánh giá tại hội nghị này, mấy chục năm trước không sai, mấy chục năm sau vẫn cứ... đúng.

Khi mà ngành GD luôn lấy "học để thi" làm mục đích chính, thì cho dù nền GDVN có tuổi đời gần "thất thập" nhưng chuyện dạy người lại vẫn thuộc loại... cổ lai hi.

Không lạ, khi thấy người Việt trẻ trong xã hội hiện nay "bị bỏ rơi", như câu trả lời của Hoàng Đức Minh (sinh 1990), Giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu (RAECP), nay là tổ chức Hành động vì tương lai - Action4Future (VietNamNet, ngày 03/7).

Bà Tưng, tự tử vì Facebook, người trẻ Việt, mạng xã hội, giáo dục VN, kỹ năng sống

Di thư của cô bé N.T.T.L

Một "quan chức" trẻ nhìn nhận vị thế của thế hệ mình. Có điều gì buồn hơn thế cho họ- những người sẽ nắm vận mệnh nước Việt trong tương lai?

Họ bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình, khi mà người cha, người mẹ chỉ hùng hục kiếm tiền mưu sinh, làm giầu. Họ bị bỏ rơi ngay chính trong nhà trường của họ, khi nhà trường chỉ lo "thành tích"- tỷ lệ thi cử có con số đẹp. Và họ bị bỏ rơi ngay trong chính xã hội mà đồng tiền đi vào "đồng dao" như một bài học nhãn tiền: Tiền là Tiên là Phật/ Là sức bật tuổi trẻ/ Là sức khỏe tuổi già...

Mặt khác, trước những vấn nạn tham nhũng, hối lộ, mua quan bán tước..., đầy rẫy trong thế giới thông tin cực hot, còn người lớn chúng ta botay.com, thì người Việt trẻ, từ "bị bỏ rơi" đến mất niềm tin, là khoảng cách không ranh giới.

Cũng chẳng phải chỉ người Việt trẻ mới có sự mất mát đau xót nhất ấy!

Còn trước cái chết thương tâm của N.T.T.L, cô bé nữ sinh tâm hồn quá mong manh, nhạy cảm, quá dễ tổn thương này, không biết rồi đây, N.T.H cùng các bạn của cậu ta sẽ phải đối mặt với sự xử lý của luật pháp như thế nào? Liệu trò đùa quái ác vô tình thành...tội ác, có đi theo họ, ám ảnh suốt cuộc đời này không? Họ có dám đối diện với chính lương tâm của mình không? Có dám nhìn thẳng vào mắt các bạn đồng học không? Khi bất chợt nghĩ về kỷ niệm cay đắng và đau buồn của tuổi học trò?

Dù vậy, họ và cô bé N.T.T.L nông nổi, đáng thương, vẫn gặp nhau ở điểm chung- đều là "sản phẩm" có những khiếm khuyết của ngành GD. Ở đó, cái sự "dạy người" bị... suy dinh dưỡng, đến mức không lớn nổi, bởi sự chèn ép của căn bệnh béo phì "học để thi".

Đối lập với sự đối xử quá tàn nhẫn với bản thân của cô bé N.T.T.L, là sự đối xử có phần phóng túng, nhưng lại thành ra ... rẻ rúng với bản thân của Bà Tưng.

Ở góc độ xã hội, đã qua rồi, cái thời người phụ nữ VN phải đội trên đầu mình quá nhiều những bổn phận và lề thói sống cổ hủ, đạo đức giả. Họ được giải phóng, được khẳng định bản ngã cá nhân, cả năng lực, trí tuệ, tâm hồn lẫn cách tư duy, tạo nên nhân cách riêng. Nhất là khi xã hội Việt đổi mới, từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Mọi thang bậc giá trị đều thay đổi.

Nhưng sự thay đổi để khẳng định mình ở người Việt trẻ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn. Đặc biệt trong làng giải trí, hoặc chút ít dính líu nghệ thuật, môi trường luôn bộc lộ rõ cá tính, bộc lộ rõ "cái tôi" nhất.

Bà Tưng, tự tử vì Facebook, người trẻ Việt, mạng xã hội, giáo dục VN, kỹ năng sống

Chỉ tiếc, sự thay đổi để khẳng định các thang bậc giá trị trí tuệ, văn hóa hơi ít, còn tạo ra các thang bậc giá trị "phản văn hóa" thì lại hơi nhiều. Cũng tiếc thay, không ít trường hợp, những thang bậc giá trị "phản văn hóa" đó vẫn tạo ra hiệu ứng là sự... nổi tiếng (thực chất là tai tiếng) trong xã hội. Và đó cũng là một kiểu thành công, tùy sự lựa chọn của mỗi người Việt trẻ, phụ thuộc vào nhận thức gắn với "phông" văn hóa, phẩm cách, lòng tự trọng.
 

Liệu các kiểu tạo ra scandal trong làng giải trí, các kiểu nude bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên của các người mẫu, chân dài, các phát ngôn gây sốc như không có tiền thì cạp đất mà ăn à..., có ảnh hưởng gì đến tham vọng, khát vọng mong muốn nổi tiếng một cách nhanh nhất, ngắn nhất, để tạo nên tên tuổi mình của Bà Tưng- cô bé vùng quê Nghệ An gió Lào cát trắng không?

Trong nhiều bài báo, người viết chú ý đến những trả lời của TS Tâm lý Nguyễn Lệ Hằng (GĐ Trung tâm Phát triển trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình), dưới đầu đề: "Con cái nổi loạn- gia đình ở đâu?" (VietNamNet, ngày 2/7).

Xét ở góc độ tâm lý, đây là một hành vi tâm lý bất thường, nếu không nói là một hiện tượng tâm bệnh lý, cho dù nó được tính toán một cách tỉnh táo.

Việc chủ động tung ra nhiều clip liên tiếp như cố tình nhận về mình sự lên án của cộng đồng là một hành động tự gây khoái cảm tổn thương mình. Có lẽ, dù là một kịch bản với bất cứ mục đích gì, cô gái này cũng chưa thấy hết được những hậu quả mà cô có thể phải trả giá trong tương lai.

Đây là một cảnh báo khá cần thiết. Cho tất cả những cô gái muốn chọn con đường ngắn để nổi tiếng, trừ con đường khổ công lao động rèn luyện tài năng. Không phải ngẫu nhiên xã hội vẫn có những khái niệm để phân biệt vị thế, ngay trong giới giải trí: Có "đẳng cấp" hay "rẻ tiền"... Chọn loại nào?

Tuổi trẻ vốn tự tin, nên dễ ngông cuồng. Bà Tưng còn quá trẻ, nên chưa hiểu hết những được mất, những ấm lạnh của cuộc đời. Mà nhiều khi cái mất nhiều hơn cái được. Cái bị khinh khi nhiều hơn cái trân quý

Cũng theo TS Nguyễn Lệ Hằng, để khắc phục những hành vi tâm lý bất thường của con trẻ trong quá trình phát triển trưởng thành, tôi ưu tiện chọn giải pháp về giáo dục gia đình.

... Hãy lắng nghe con để hiểu con hơn, hãy học kĩ năng làm cha làm mẹ theo từng độ tuổi của con một cách nghiêm túc.

Thế nhưng mới đây, trước những thông tin phản bác về hành vi của Bà Tưng cùng những phát ngôn gây sốc, tại xóm 8 Mỹ Thành (Yên Thành, Nghệ An), người mẹ của Bà Tưng vẫn "rất tự hào về con gái", khi bà khẳng định:

Đó là cách riêng của H. A và tôi không có ý kiến gì. Mà chuyện nó hở hang hay không mặc áo ngực là hoàn toàn bình thường... Dù dư luận có nói gì thì tôi cũng bỏ ngoài tai và mặc kệ, tôi biết con mình ngoan hay hư, vẫn luôn tin tưởng và tự hào về con gái mình.

Cá chuối đắm đuối vì con. Trong mắt người mẹ nào, đứa con chả là số một. Mới có câu: Con hát mẹ khen hay. Còn ở đây: Con diễn, mẹ khen hay.

Bỗng nhớ đến ca từ của nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu: Đi về đâu hỡi em? Một câu hỏi về sự vô định trên đường đời cho người con gái Việt, cho những người Việt trẻ...

Ngành GD đang tổ chức kỳ thi. Rồi đây, những tỷ lệ đẹp đỗ ĐH, CĐ sẽ xuất hiện. Dù vậy, gia đình- nhà trường- xã hội người lớn chúng ta, vẫn cứ là loại "học trò"... thi rớt, trước những đòi hỏi của dân tộc về sứ mệnh dạy người, cho thời hội nhập văn minh và hiện đại.

Những thang bậc nào, sẽ làm nên giá trị của người Việt trẻ đương đại và hiện đại đây? Chả lẽ, đó là những giá trị đang được "thả rông", như cái cách Bà Tưng đã làm?

Kỳ Duyên (Tuần Việt Nam)

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ bảy, 06/07/2013 - 12:57

Bài bình luận

Lau roi moi thay dc bai viet hay, thuc te  nhung tam kien nay dang dc rat nhieu nguoi quan tam.

Thêm bình luận