Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Theo ông Trần Văn Ngoang, trưởng làng Mỹ Cụ, hầu hết những người tham gia đào phá mộ Hán đều gặp họa, không chết chóc thì cũng bệnh tật, tai nạn, hoặc mất sạch tài sản.

 

Như đã nói ở kỳ trước, anh Lê Văn Tuyến, tức Tuyến “còi”, trong quá trình đào phá mộ gạch thời Hán trên núi Phượng Hoàng (làng Mỹ Cụ, Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã phát hiện một số kho báu nằm sâu trong lòng núi hàng chục mét, dưới cả những ngôi mộ Hán.

Lần ấy, trong quá trình đào hầm từ sườn núi, anh Tuyến đã phát hiện một lớp đất lộn xộn, không giống như đất nguyên bản. Núi Phượng Hoàng có bề mặt là đất pha đá sỏi gan trâu rất cứng, nhưng hết lớp đất này, ở độ sâu khoảng 5-6m, thì đến lớp đá tảng, với những phiến đá xếp chéo đè lên nhau rất đều.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Làng Mỹ Cụ. 

Nhìn lớp đất lộn xộn, đá không xếp theo hàng lối, anh Tuyến biết ngay dấu hiệu tác động của con người, dù lòng đất đã ổn định hàng ngàn năm nay.

Kỳ công dùng búa chim bổ từng nhát, moi từng viên đá, móc từng nắm đất, đến độ sâu 20m vào lòng núi, anh Tuyến phát hiện một căn hầm hình chữ Chi kỳ lạ.

Trải hàng ngàn năm, lớp bụi rụng xuống khiến nóc hầm chỉ còn cao chừng nửa mét. Tuy nhiên, nóc hầm vẫn rất vững chãi bởi những phiến đá cứng bám chặt vào đất.

Cào lớp bụi phủ tự nhiên, cả một kho báu lộ ra. Hàng ngàn món cổ vật to nhỏ xếp chồng lên nhau, chất ngập từ đáy lên đến lưng chừng hầm. Toàn bộ kho cổ vật đã bị bụi đất phủ kín.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Pho tượng lạ anh Tuyến lấy được từ kho báu nằm sâu trong lòng núi Phượng Hoàng. 

Trong hầm có đủ các thứ, từ tượng hình người, ngựa, quái thú, đến bát đĩa, cốc chén, chĩnh gốm, đặc biệt là những món đồ chế tác bằng ngọc, vòng ngọc, những cục ngọc tự nhiên như cục đá. Thậm chí còn có cả những chiếc trống đồng nhỏ, thạp đồng. Đặc biệt quý là những chiếc bát dát vàng, những chiếc dao găm, kiếm nạm vàng ròng.

Thứ nhiều nhất thu được từ những căn hầm sâu trong lòng núi này là tiền cổ. Những hũ, chum bằng gốm, đất nung chứa gập tiền xu. Những đồng tiền này đã hoen gỉ, đóng thành cục, nên không đổ ra được.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Trâm cài tóc bằng chất liệu lạ. 

Nghi bên trong chứa vàng, nên anh đã đập vỡ hàng loạt chĩnh gốm. Tiền cổ thì không tiêu được, trong khi những chiếc chĩnh giờ có giá cả trăm triệu đồng. Nghĩ đến việc đập phá hàng loạt chĩnh cổ mà tiếc đứt ruột.

Số tiền cổ anh Tuyến thu được phải tính bằng hàng tạ, nhưng anh tặng hết mấy bà đồng nát, bởi chẳng tiêu được, lại không có chỗ cất giữ. Dân làng đến xin, anh đều hào phóng cho cả nắm. Giờ khắp làng Mỹ Cụ, nhà nào cũng có vài đồng tiền cổ giữ chơi. Anh Tuyến chỉ giữ lại một số đồng làm kỷ niệm.

Tôi đã chuyển một số đồng tiền cổ cho nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành và ông Hoành đã đọc được một số đồng. Phần lớn những đồng tiền cổ anh Tuyến giữ trong nhà có từ trước hoặc đầu Công nguyên.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Một số đồng tiền anh Tuyến lấy được từ lòng núi có niên đại trước và đầu Công nguyên. 

Ngày đó, anh Tuyến chẳng chịu làm ăn gì, lại vay mượn khá nhiều phục vụ cho việc đào mồ cuốc mả, nên đào được thứ gì anh bán tống bán tháo, bán rẻ như đồng nát. Vậy nên, dù bán cả kho đồ cổ mà thu được lượng tiền không nhiều. Những chiếc trống đồng hơn 2.000 năm tuổi mà anh bán với giá chỉ vài triệu đồng. Những đồ ngọc cũng bán rẻ như đá.

Ở Mỹ Cụ, anh Tuyến chính là người đầu tiên phát hiện ra những hầm chứa kho báu nằm sâu trong lòng núi. Đó cũng là lý do vì sao anh Tuyến đào chi chít đường hầm xuyên ngang xẻ dọc quả đồi dưới chân núi Phượng Hoàng.

Theo anh Tuyến, có hai lý giải về những kho báu như những căn hầm trong lòng núi. Giả thuyết thứ nhất là người xưa đào hầm vào lòng núi để giấu của và giả thuyết thứ hai là người xưa chia của cho người ở cõi âm ti.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Ông trưởng làng Trần Văn Ngoang bên một ngôi mộ Hán lộ ra bên vách núi Rùa. 

Trước khi gặp anh Tuyến, tôi đã nghe người dân làng Mỹ Cụ kể chuyện anh Tuyến bị thánh thần nổi giận cướp mất cánh tay, song tôi vẫn hỏi anh lý do vì sao lại dừng công cuộc đào bới tìm kiếm kho báu. Anh Tuyến giơ cánh tay trái co quắp cho tôi xem và bảo: “Cậu xem tay chân thế này thì đào bới gì được nữa”.

Cuối năm 2010, vừa đào trúng một ngôi mộ Hán, thu được tương đối đồ cổ, trong đó có giá nhất là những lá lúa bằng vàng ròng, thì anh gặp nạn.

Hôm đó, khi anh đang phóng xe máy ở quốc lộ, chuẩn bị rẽ vào làng, thì chiếc container đã đâm vào anh. Cú đâm khá mạnh, khiến xe máy nát bét, Tuyến “còi” văng xa mấy mét. Tuy giữ được mạng sống, nhưng cánh tay trái bị gẫy vụn.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Cánh tay trái của anh Tuyến bị teo do vụ tai nạn cuối năm 2010. 

Suốt hơn năm qua, anh Tuyến đã phẫu thuật vài lần ở Hà Nội, đóng đinh chi chít, tốn kém hàng trăm triệu, song cánh tay của anh mỗi ngày lại teo đi, trở nên vô dụng. Nhiều khả năng cánh tay này bị liệt vĩnh viễn. Người dân Mỹ Cụ tin rằng, anh Tuyến đã phải trả giá đắt vì dám xâm phạm mồ mả người xưa.

Không chỉ anh Tuyến, mà hầu hết các chuyên gia “đào mồ cuốc mả” đều gặp chuyện chẳng lành sau nhiều năm phá mộ săn đồ cổ.

Hồi năm ngoái, đúng lúc anh H. trúng hầm mộ chứa đầy báu vật ở núi Hổ Phục, chưa kịp vui mừng vì trúng quả, thì bố anh đột ngột qua đời ở tuổi 60. Bố anh H. hoàn toàn khỏe mạnh, không hề có bệnh tật gì, nhưng đột nhiên lăn ra chết.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Vụ tai nạn khiến anh Tuyến chấm dứt "sự nghiệp" đào bới mồ mả. 

Người dân Mỹ cụ đồn rằng, vụ trúng đậm hầm mộ ở núi Hổ Phục đã mang về cho anh H. cả tỷ bạc. Tuy nhiên, giờ anh H. cũng đã trắng tay. Có tiền, anh H. lao vào cờ bạc, nên nhanh chóng sạch bách. Giờ anh bỏ làng đi đâu chả rõ. Anh cũng dừng “sự nghiệp” đào mồ cuốc mả từ đó đến nay.

Rồi anh Lê Văn B., 35 tuổi, một nhân vật đào mồ cuốc mả sừng sỏ ở làng Mỹ Cụ, từng trúng nhiều hầm mộ, thu được cả kho cổ vật, thậm chí nhiều món bằng vàng ròng, cũng gặp tai họa kỳ lạ. Lần trúng kho báu lớn nhất vào năm 2009, anh B. đột nhiên phát điên, bỏ nhà đi lang thang.

Gia đình đã đưa anh B. vào Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng điều trị một thời gian. Lúc anh B. tỉnh táo, trở về nhà, thì bố đẻ anh đột ngột qua đời mà không rõ mắc bệnh gì. Cũng từ đó anh B. giã từ sự nghiệp khoét núi tìm mộ.

Những “chuyên gia đào mộ” và sự trả giá rùng rợn
Cổ vật gốm anh Tuyến đào lấy từ mộ Hán. 

Bi thảm và ky kỳ nhất là trường hợp anh Trần Văn M. Anh này sinh ra ở làng Mỹ Cụ, nhưng chục năm trước vợ chồng con cái dắt nhau về xã Gia Minh sinh sống, cách làng hơn 5km.

Mấy năm trước, thấy đám thanh niên cùng trang lứa đua nhau khoét núi đào mộ tìm kho báu, anh cũng vác mai vác xẻng đi đào. Anh M. cũng trúng một hầm mộ Hán bằng gạch và thu được vô số cổ vật giá trị.

Trúng kho báu, anh M. phất lên trông thấy. Không ai rõ anh kiếm được bao nhiêu tiền từ ngôi mộ cổ, nhưng từ một anh nông dân nghèo khó phải bỏ xứ ra đi, anh M. có tiền xây nhà cửa khang trang, sắm sanh nhiều vật dụng đắt tiền. Người dân kể rằng, ngôi nhà anh nông dân nghèo này mới dựng lên không thể dưới tiền tỷ.

Giàu có rồi, anh tổ chức một bữa tiệc lớn, mời họ hàng đến nhà nhậu nhẹt. Anh mổ cả lợn, rượu bia uống xả láng, linh đình như đám cưới. Đau đớn thay, sau bữa nhậu vài hôm, anh tự dưng lăn ra chết, chẳng rõ nguyên nhân là gì.

Theo ông Trần Văn Ngoang, trưởng làng Mỹ Cụ, hầu hết những người tham gia đào phá mộ Hán đều gặp họa, không chết chóc thì cũng bệnh tật, tai nạn, hoặc mất sạch tài sản.

Sau cái chết của anh M. rồi vụ tai nạn nặng nề của anh Tuyến, không ai dám xâm phạm những ngôi mộ Hán trong 3 quả núi làng Mỹ Cụ nữa. Vả lại, thời gian này, chùa Linh Sơn quản lý chặt núi Phượng Hoàng, rồi chính quyền địa phương cấm xâm phạm núi Rùa, nên cũng không ai được phép vác cuốc xẻng vào đào bới nữa, mặc dù trong lòng những quả núi này vẫn còn rất nhiều mộ Hán và những kho báu cổ.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương (VTC News) 

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ hai, 24/12/2012 - 20:25

Thêm bình luận