KHÁCH QUEN

KHÁCH QUEN

Phiên bản để inGởi bằng emailPhiên bản PDF

Ai làm nghề bán hàng cũng có một số khách quen. Có người nhớ mặt, nhớ tên khách nhưng người Việt ở Ba Lan thường chỉ nhớ mặt khách còn tên thì không. Có khách quen mua hàng lâu dài, cũng có khách quen gặp chỗ bán hàng rẻ hơn hoặc vì lý do nào đó đã „bong” mất. Rồi khách mới lại thành khách quen. Cứ thế „luân hồi” (à quên luân chuyển).

Mình cũng có nhiều khách quen. Trong số khách quen có 1 gia đình có 3 người luôn đi với nhau. Hai người đàn bà, một già, một trẻ và một người đàn ông. Người đàn ông to cao nhưng bị tật ở chân. Ông chống nạng, đi lại, nói năng rất khó khăn. Nghe một người phụ nữ trong „đoàn” nói: cách đây vài năm ông rất mạnh khỏe, hoạt bát song bị tai biến mạch máu não, chữa mãi cũng qua nhưng để lại di chứng về chân và hàm, mặt.

„ Đoàn” khách này mua không nhiều. Họ đến mỗi quầy và chỉ mua một vài thứ rồi lại đi quầy khác.

Tuy là người tàn tật nhưng người đàn ông là người quyết định xem cần mua hàng gì và mua bao nhiêu.

Mỗi lần vào quầy, hai người đàn bà (có thể là vợ, em, con ông) lựa chọn hàng và cầm từng thứ lên hỏi ông. Bằng một giọng nói khó khăn, ông cố gắng nói để hai người phụ nữ hiểu rằng: thứ ấy cần và ông quyết định mua hay không.

Khách hàng đi lại trong TT ASG (ảnh internet).

Hai người phụ nữ mới là người biết phải mua gì nhưng họ tôn trọng ý kiến của ông nên hỏi ông cho ông vui lòng. Thông thường thì ông đồng ý mua thứ mà hai người đàn bà lựa chọn tuy vậy cũng có vài lần ông quyết định không mua thứ mà họ đã nhặt lên. Lúc ấy, người phụ nữ đang cầm món hàng ấy lại khẽ khàng đặt hàng đó xuống và lại nhặt hàng khác lên và lại hỏi ý kiến ông. Trông gia đình họ trên kính, dưới nhường, làm ăn chăm chỉ mà thấy thương nên lần nào mình cũng bán cho họ giá ‘khuyến mại”, không tính lãi.

Những người phụ nữ cũng có thể để ông ở nhà vì ông đi lại khó khăn và ông không phải là người lái xe (một lần tình cờ mình nhìn thấy họ đi trên xe, cô gái là người cầm lái còn ông ngồi bên cạnh, người còn lại ngồi phía sau với những món hàng đã mua) nhưng chắc họ muốn làm ông vui sau khi đã qua cơn hoạn nạn tưởng như „gần đất xa trời” và làm như vậy ông sẽ thấy mình là người quan trọng trong gia đình.

Thế rồi bẵng đi mấy tháng không thấy „bộ 3” này đến mua hàng. Hôm rồi bỗng thấy hai người phụ nữ đến mua nhưng không thấy ông chống nạng đi theo. Hai người phụ nữ lặng lẽ mua hàng, mắt đượm buồn.

Mình muốn hỏi họ về „người thứ ba” hay đi theo họ nhưng sợ động đến nỗi buồn của họ nên thôi. Có thể ông ấy đang bị ốm và cũng có thể ông ấy đã đi xa…

Mình chỉ biết lặng lẽ tính cho họ tiền hàng với giá rẻ hơn bình thường. Cầu mong cho ông khách tật nguyền mạnh khỏe.

TT

Warszawa 21-4-2012.

Signature: 
queviet.pl
Ngày cập nhật Thứ hai, 22/04/2013 - 06:45

Bài bình luận

Một bài viết rất thật đã nêu ra được những chuyện thường diễn ra trong đời sống kinh doanh của cộng đồng.Rất mong mọi người cùng tham gia cập nhật nhiều góc cạnh như thế này để thành diễn đàn trao đổi  cho công đồng chúng ta ngày càng được hoàn thiện.Nếu chúng ta muốn hòa nhập vào xã hội BL thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ như thế này mới phát triển thành cộng đồng mạnh và có văn hóa được.

Thêm bình luận